Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Ba người khác.Tô Hoài

Những đặc sắc trong tiểu thuyết
“Ba người khác” của nhà văn Tô Hoài
Ra đời năm 1992 nhưng phải đến đầu năm 2007 mới được xuất bản, tác phẩm “ba người khác” của Tô Hoài được coi là “một tiểu thuyết cho đến giờ phút này là ấn tượng nhất về sự kiện cải cách ruộng đất” (Lại Nguyên Ân). Cuốn sách giúp ta nhận thức được chiều sâu, uẩn khúc của những tai ách mà cuộc cải cách ruộng đất để lại. Có thể coi đây là một trong những tác phẩm đặc sắc của Tô Hoài trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông.
Để tạo nên sự đặc sắc của một tác phẩm văn học, cần rất nhiều yếu tố (thuộc cả nội dung lẫn nghệ thuật). Tuy nhiên ở mỗi tác phẩm lại có những yếu tố nổi trội riêng. Yếu tố đó phải tạo cho tác phẩm một sự độc đáo, một nét riêng biệt, một sức ám ảnh mà không phải tác phẩm nào cũng có. Tiểu thuyết “ba người khác” của nhà văn Tô Hoài cũng không ngoại lệ. Tác phẩm mở ra trước mắt ta một tấn bi kịch hãi hùng của một vùng quê đang yên lành bỗng chốc chìm ngập trong các cuộc đấu tố, tranh giành, oan khốc và đẫm máu. “Cuốn sách thể hiện sự dũng cảm và tư cách công dân của nhà văn Tô Hoài” (Hoàng Minh Tường) khi tái hiện lại một thời kỳ lịch sử mà chính quyền không bao giờ muốn nhắc đến.
Đề tài về cuộc cải cách ruộng đất miền Bắc một thời có lẽ không còn mới mẻ. Chính vì thế để không dẫm lên bước chân những người đi trước, Tô Hoài đã khai thác đề tài này ở một góc độ khác. Nhà văn không ngợi ca, không viết về thành tựu của cuộc cải cách, càng không phải viết dưới tư cách một nạn nhân mà góc độ tiếp cận vấn đề của Tô Hoài khiến bạn đọc bất ngờ: một người trong cuộc, với tư cách một “tội nhân”-những người trực tiếp gây ra sự thất bại, gây ra những bi kịch đằng sau nhiệm vụ lớn lao, cao cả ấy. Chính vì thế, Trần Yên Hòa đã cho rằng tác phẩm là lời “sám hối” của chính nhà văn. Sự thực, chính Tô Hoài cũng từng tham gia công cuộc cải cách, điều đó giúp cho ông hiểu và tái hiện một cách chân thực những bất cập, những mặt trái của cuộc cải cách này-một sự kiện làm rung chuyển cuộc sống của những người dân Việt Nam.
Câu chuyện được kể dưới con mắt của một người trong cuộc: đội phó kiêm chánh án Bối. Anh ta vốn là dân thành phố, trôi trôi nổi trong chiến tranh, rồi giữ một chức coi kho. Khi ở Việt Bắc, Bối đã mấy lần trốn được đi cải cách nhưng về Hà Nội thì anh ta không trốn được nữa. Bối trở thành anh đội dù không biết gì về đồng ruộng, về nông thôn.
Với “ba người khác”, Tô Hoài đã dựng lên một bức tranh cụ thể, chân thực về cải cách ruộng đất ở miền Bắc một thời, cụ thể là những mặt trái của nó. Tác phẩm không chỉ tái hiện vấn đề ở một địa điểm cụ thể (thôn Chuôm, thôn Am…) mà nó còn khái quát được cả công cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc với tất cả sự nghiệt ngã và những nỗi đau thương. Tuy nhiên nhà văn không chú trọng vào việc vẽ lại diện mạo của cuộc cải cách mà đi sâu vào khía cạnh con người qua những nét sinh hoạt, những tác vụ xoay quanh họ. Tô Hoài đã dám viết lên cái dã man, cái vô nhân tính của những người tham gia cải cách và theo Lại Nguyên Ân, đây là một cách “ giải toả cho một trong những chấn thương của xã hội”. Theo ông “sự kiện cải cách ruộng đất để lại một chấn thương trầm trọng ai cũng biết, nhưng những người giữ quyền ăn quyền nói ở xã hội ta lại muốn xoá đi bằng cách cấm mọi người nhắc đến. Và đó là một giải pháp sai lầm hiển nhiên, vì các chấn thương tinh thần không thể được chữa khỏi bằng bắt buộc người ta im lặng; ngược lại, chỉ bằng việc thường xuyên nhắc nhớ, ôn lại, phân tích nguồn cơn, tính đếm thiệt hại…mới là phương cách tốt, chẳng những làm nguôi chấn thương mà còn đề phòng khả năng lặp lại những tai hoạ tương tự cho cộng đồng.”
“Ba người khác” là ba anh đội: đội trưởng Cự, đội phó kiêm chánh án Bối, đội viên Đình. Cả ba tham gia cải cách, mỗi người một tính cách nhưng cả ba đều không hiểu biết gì về nông thôn, nông dân và sự thật đây là ba gã lưu manh theo ba kiểu khác nhau. Khi về cải cách, họ bộ lộ sự tham lam, họ nhận thức được sự đúng-sai vậy mà vì sức ép thành tích, họ đều tỏ ra vô trách nhiệm (đưa trung nông lên địa chủ để đấu tố cho đạt chỉ tiêu cấp trên đề ra), đều hủ hóa…Sau cuộc cải cách, ba anh đội đã trở thành “ba người khác”, “khác” với chính bản thân họ, “khác” vì cả ba con người ấy đều trở nên tha hóa, chẳng ai còn nguyên vẹn, tử tế. Họ cải cách mọi người, cải cách mọi nhà, cải cách mọi vùng quê nhưng không cải cách chính bản thân mình. Dường như sự xuất hiện của họ khiến cuộc sống ở vùng quê được cải cách trở nên hỗn loạn hơn. Tất cả bị bao trùm bởi một không khí ngột ngạt, bức bối vì những cuộc đấu tố đẫm máu, dựng rạp xử án, sự tranh giành “chiến lợi phẩm” sau khi đấu tố địa chủ…Thực chất của cuộc cải cách ruộng đất chỉ làm theo hình thức để báo cáo lên trên. Có những thôn không tìm ra địa chủ để đấu tố, bị cấp trên phê bình, đội bèn đưa trung nông lên địa chủ cho đạt chỉ tiêu. Chỉ riêng chuyện đó đã gây ra không biết bao nhiêu bi kịch thảm thương.
“Cải cách ruộng đất” khiến con người, từ những người cải cách đến những người được cải cách hiện lên với tất cả sự bản năng của mình: tham lam, cơ hội... Sự bản năng ấy, được tác giả chú trọng đặc tả khi nói về tội “hủ hóa” của ba anh đội. Trong tác phẩm, có rất nhiều trang tác giả viết về vấn đề này. Những chuyện tình tội lỗi (giữa Bối và Đơm, Bối và Duyên, Cự và Đơm…) được kể bằng thứ “ngôn ngữ chính xác, khoái cảm hả hê, tâm đắc”. Những cảnh hoang dâm ấy không khỏi tạo cho người đọc một ấn tượng về sự rùng rợn. Những con người luôn miệng lên án cái tội hủ hóa lại chính là những kẻ hủ hóa. Đó là một anh Bối có thể làm tình cô Đơm ngay trước mặt một bà mẹ tàn tật, làm tình cô Duyên bên một ông bố già và điếc, có thể “quần” nhau với cả một đám nữ dân quân…
“Ba người khác” cũng chính là ba cuộc đời. Tác giả không những tái hiện chân dung, tính cách của họ trong cuộc cải cách với tất cả sự cơ hội, tham lam, sự tha hóa mà nhà văn còn cho ta biết về kết cục của ba con người ấy: đội viên Đình lang thang, phiêu bạt cùng vợ con vào Lâm Đồng; đội trưởng Cự vào Nam, chiêu hồi rồi bị đặc công ta giết; đội phó Bối thì bị vợ bỏ, làm nghề bơm xe sống qua ngày. Dường như đây là cái giá mà họ phải trả sau khi gây ra bao nhiêu tội lỗi và những bi thương.
Một sự đặc sắc nữa của tác phẩm là giọng kể của nhân vật. Mặc dù tiếp cận dưới góc độ một “tội nhân” nhưng trong tác phẩm này lại được kể bằng một giọng “bình thường hóa tội ác”. Nhà văn chỉ tả và thuật. Giọng văn dửng dưng như mình là người ngoài cuộc, như mình không hề can dự. Không có chố nào nhân vật “tôi” tỏ ra đau khổ hay trăn trở, dằn vặt vì những tội lỗi mà mình gây ra. Thậm chí sau khi đội cải cách về sửa sai, Bối còn ngơ ngác không nhận thấy được đâu chỗ sai của mình. Ở đây ta thấy, Tô Hoài đã đặt nhân vật của mình ngang tầm thời đại (vì ngang tầm thời đại nên không nhận ra điểm sai), điều này làm cho tác phẩm giàu tính chân thực hơn. Nó tạo cho bạn đọc niềm tin rằng những gì mình đọc là sự thật, sự thật được tái hiện qua một người trong cuộc, một người chứng kiến. Có ý kiến cho rằng nhân vật Bối là “chân dung nhân vật tội đồ hoàn hảo nhất từ trước tới nay trong văn chương Việt Nam”. Bản chất tha hóa của anh ta không chỉ bộc lộ khi tham gia cải cách mà trong cả cuộc sống sau này. Anh ta không những “bình thường hóa tội ác” mà còn trút hết mọi tội ác trong cuộc cải cách lên đầu đội trưởng Cự-một người đã chết, không còn có cơ hội để thanh minh, biện hộ.
Tác phẩm vừa có thể coi là một cuốn tiểu thuyết, vừa có thể coi là một cuốn hồi ký, hay nói chính xác hơn là một cuốn hồi ký viết dưới dạng tiểu thuyết. Dưới góc độ một cuốn hồi ký, Tô Hoài đã cho ta một cái nhìn mới về ông: một con người dám “kể tội” mình. Nếu trước đó, ta thấy Tô Hoài thành công với những sáng tác về đề tài miền núi, phong tục tập quán, thành công với việc viết về các con vật thì “ba người khác” nhà văn thành công với một vấn đề mang tính chính trị (cải cách ruộng đất)- một vấn đề nhạy cảm mà cho đến tận bây giờ ít ai đề cập đến. Có lẽ vì thế mà tác phẩm này, phải 15 năm sau, tính từ thời điểm ra đời mới đến được với đông đảo bạn đọc và được in thành sách. Nhà văn từng phát biểu “tôi cho viết hồi ký là khó khăn hơn cả sáng tác. Bởi đó là một cuộc đấu tranh tư tưởng để viết ra…Đây là cuộc mổ xẻ toàn diện, không phải nhẹ nhàng và chỉ có hứng thú”. Vì thế có thể nói rằng “ba người khác” thể hiện sự dũng cảm của nhà văn.

So với sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Tô Hoài, nghệ thuật của tiểu thuyết “ba người khác” có lẽ không nổi bật. Nhà văn vẫn sử dụng giọng văn đầy tính hài hước và đi sâu và khai thác những chi tiết nhỏ nhất bằng một cái nhìn “săm soi”. Nhưng đây thực sự là một tác phẩm có giá trị, giá trị và sự đặc sắc của nó nàm chủ yếu ở phần nội dung, ở khía cạnh tính chân thực của nó. Tô Hoài đã dám nói lên sự thật, một sự thật trần trụi đến ghê tởm của những ngày tháng cải cách ruộng đất, dù tác phẩm chỉ là “một mảng nhỏ trong sự kiện lớn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét