Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Miết trì-Chu Văn An

Miết trì

-Chu Văn An-

Côn Sơn- như ai đó từng nói-không phải là mảnh đất địa linh, không sinh nhân kiệt nhưng tụ anh hùng. Đó là nơi mà rất nhiều những nhà Nho liêm khiết chọn ở ẩn, trong đó có Chu Văn An-một hiền thần cương trực, giữ tiết tháo và không cầu danh lợi. Bài thơ “miết trì” sáng tác khi ông về ở ẩn tại Côn Sơn cho ta hiểu được phần nào tâm hồn thanh sạch, nhàn thân nhưng không nhàn tâm của một con người luôn canh cánh trước vận mệnh đất nước

Nội dung của “miết trì” không khỏi khiến ta liên tưởng đến “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi. Dường như những nhà tư tưởng lớn luôn có sự đồng điệu về tâm hồn. Nguyễn Trãi bất mãn với thời cuộc lui về ở ẩn tại Côn Sơn, cho ra đời “Côn Sơn ca” để nói lên những suy nghĩ, những trăn trở của cuộc đời; Chu Văn An, cũng một hiền thần, bất lực trước thời thế cũng lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Và nếu Nguyễn Trãi có “Côn Sơn ca” thì Chu Văn An có “miết trì” để bày tỏ nỗi lòng, tâm sự trước thời thế.
Trong một bài thơ Đường luật, hai câu đề thường vịnh cảnh. “Miết trì” cũng không ngoại lệ. Mở đầu bài thơ là hình ảnh “thủy nguyệt kiều biên”, “hà hoa hà diệp”. Hình ảnh ấy được đặt trong thời gian cụ thể “tịnh huy” cho ta thấy khung cảnh thiên nhiên thanh bình, tĩnh lặng, hữu tình. Chu Văn An quả là một con người yêu thiên nhiên, cảnh vật:
“Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy,
Hà hoa hà diệp tịnh tương y” (Trăng nước bên cầu đùa giỡn dưới nắng chiều tà
Hoa sen, lá sen, yên lặng nương tựa vào nhau) Bên cầu nước trắng tịnh dương Lá hoa sen lặng tựa nương giữa hồ

Thiên nhiên hiện lên trong sự giao hòa, quấn quýt: “trăng nước” đùa giỡn, hoa sen và lá sen tựa vào nhau. Ở hai câu đề, tác giả sử dụng thủ pháp đối, cụ thể là đối giữa hai động từ “lộng” (đùa giỡn) và “tịnh” (lặng yên). Sen trong tâm thức dân tộc Việt vốn tượng trưng cho những gì đẹp đẽ, gợi lên sự thanh khiết, thanh cao, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phải chăng “hà hoa hà diệp” tượng trưng cho tâm hồn tác giả? Cái tĩnh lặng của “hà hoa hà diệp” cũng là cái tĩnh lặng trong tâm hồn Chu Văn An khi đối diện với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên?
Thiên nhiên nên thơ, đẹp đẽ, hữu tình. Dẫu là chiều tà nhưng cảnh vật không tàn tạ, thê lương. Nhưng cái ý vị của thiên nhiên, cảnh sắc đã bị giảm đi phần nào trong hai câu thơ dịch. Câu thơ thứ nhất “bên cầu nước trắng tịnh dương” làm mất đi hình ảnh của ánh trăng. Không những thế nó còn chuyển câu thơ từ động sang tĩnh khiến cho câu thơ chỉ là một sự miêu tả đơn thuần và thiếu đi cái nhìn hữu tình của tác giả với cảnh vật. Câu thơ thứ hai, khiến người đọc lầm tưởng lá sen tựa vào nhau chứ không phải là “hoa sen, lá sen” nương tựa vào nhau như trong nguyên tác. Nó khiến cho thiên nhiên ở đây không còn vẻ đẹp của sự giao hòa.
Từ điểm nhìn ở hai câu đề, thi nhân hướng tầm mắt sang đối tượng khác để viết nên hai câu thực:
“Ngư du cổ chiểu long hà tại?
Vân mãn không sơn hạc bất quy”
(Cá bơi trên mặt nước ở ao cổ có hình cong, rồng ở nơi nào?
Mây đầy núi vắng, hạc chẳng thấy về) Rồng đâu? Ao cũ cá đùa Mây đầy núi vắng, hạc chưa trở về
Vẫn là vịnh cảnh, nhưng đằng sau đó ta thấy ẩn chứa nỗi niềm của tác giả. Có 4 đối tượng xuất hiện trong hai câu thực: “cá”, “rồng”, “mây”, “hạc”. Bốn đối tượng này tạo nên những vế đối rất chỉnh, khiến hai câu thơ không những đối về thanh, về từ loại mà còn đối ý (ở cả hai loại: đối tương thành, đối tương phản). Về đối phản, đối giữa “cá” và “rồng”; “mây” và “hạc” (thuộc tiểu đối). Về đối tương thành, đối giữa một bên là những vật tượng trưng cho những gì bình thường (cá, mây), một bên tượng trưng cho những gì cao quý (rồng, hạc). Hai bên không những đối lập về tính chất mà còn đối lập về sự tồn tại: một bên đang hiện diện, đang tồn tại; một bên, vắng bóng, mất hút trong hư không. Khiến cho tác giả đặt ra những câu hỏi ngậm ngùi “long hà tại?”, lời phủ định xót xa “hạc bất quy”. Phải chăng đó là nỗi niềm của tác giả trước thời cuộc đầy đau xót-thời cuộc mà bọn nịnh thần lộng hành, tác oai tác quái còn những bậc minh quân, hiền nhân vắng bóng, mất hút đâu đó? Điều này được thể hiện qua sự đối lập giữa hình ảnh “cá bơi ở ao cổ”, “mây đầy núi vắng” và “rồng ở nơi nào”, “hạc không về”.
Bản dịch của hai câu thực, về cơ bản chuyển tải được nội dung của nguyên tác, nhưng việc đảo vị trí “rồng đâu? Ao cũ cá đùa” làm mất đi nghệ thuật đối vốn rất đặc trưng của thơ Đường luật. Dù ở bản dịch thơ, dịch giả đã dịch sang một thể thơ khác. Chính vì thế nó làm giảm tính biểu cảm của câu thơ. Đồng thời ở câu thực thứ hai, vế “hạc bất quy” được dịch thành “hạc chưa trở về” không sát với nguyên tác. “Hạc chưa trở về” nghĩa là hạc vẫn còn có thể trở về; ở nguyên tác đó là một sự phủ định triệt để hơn (hạc không về).
Hai câu thực, tác giả đặt ra những câu hỏi và dường như hai câu luận là lời lí giải, là câu trả lời:
“Lão quế tùy phong hương thạch lộ,
Nộn đài trước thủy một tùng phi”
(Mùi quế già bay theo gió làm thơm ngát con đường đá,
Rêu non đẫm nước phủ kín cánh cửa bằng cây thông) Quế thơm đường đá gồ ghề Nước đầm rêu biếc như che cửa tùng
Tác giả tiếp tục sử dụng thủ pháp đối quen thuộc trong thơ Đường luật. Ở hai câu luận đối giữa “lão quế” (mùi quế già) và “nộn đài” (rêu non): một bên thanh cao- một bên tầm thường; một bên “lão” (già)- một bên “nộn”(non). Mùi quế già làm thơm con đường đá- câu thơ gợi cho ta hình ảnh những bậc hiền nhân quân tử để lại tiếng thơm cho đời, dẫu đường đời gồ ghề và trắc trở (con đường đá). “Thông” vốn thường được dùng để ví với người quân tử, vì thế câu thơ “rêu non đẫm nước phủ kín cánh cửa thông” gợi cho ta hình ảnh nịnh thần cố “che lấp” những bậc quân tử, nhà nho liêm khiết, thanh bạch? Ở bản dịch, câu thơ này chuyển thành một câu so sánh, nó không còn là “nộn đài” che lấp, vùi lấp “tùng phi” như trong nguyên tác.
Câu thực và câu luận dường như là tiền đề cho hai câu kết. Triều đình đầy rẫy nịnh thần, vua tôi ăn chơi trác táng khiến cho bậc hiền nhân phải lui về ở ẩn, sống cảnh thân nhàn mà tâm không nhàn:
“Thốn tâm thù vị như hôi thổ,
Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy”
(Tấc lòng này vẫn chưa dứt, chưa nguội lạnh như tro đất,
Nghe nói đến tiên hoàng luống gạt thầm giọt lệ) Phải đâu tro đất lạnh lùng Nhắc đời vua trước lệ lòng thầm rơi
“Thốn tâm” dùng chỉ Chu Văn An. Bản dịch thơ đã làm mất đi hai từ này. Không những thế, hai từ “lạnh lùng” ở bản dịch cũng khác chữ “thù” trong nguyên tác. Ỏ nguyên tác “thù vị như hôi thổ”, nghĩa là sự nguội lạnh được đặt trong sự đối sánh với tro đất còn bản dịch thơ lại đề cập đến tính chất của tro đất. Bản dịch thơ không truyền tải hết nội dung của nguyên tác, không cho ta thấy tấm lòng của Chu Văn An trước thời cuộc. Chu Văn An dẫu phải từ bỏ chính sự, lui về ở ẩn nhưng tấm lòng ông vẫn canh cánh với non sông đất nước. “Tiên hoàng” vốn có nghĩa là “vua trước”, ở đây “tiên hoàng” dùng để chỉ vua Trần Minh Tông-một vị vua anh minh, hết mình vì chính sự, biết trọng dụng người tài. Chính vua Trần Minh Tông đã cho vời Chu Văn An vào dạy Thái tử (tức vua Trần Hiến Tông). Sau khi vua Trần Minh Tông băng hà, vua Trần Dụ Tông lên ngôi. Thời vua Trần Dụ Tông chính sự thối nát, bọn nịnh thần nổi lên khắp nơi. Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần nhưng vua không nghe, đành về ở ẩn tại Côn Sơn. Và trong hoàn cảnh này, “miết trì” đã ra đời.
Ở nguyên tác “văn thuyết” nghĩa là “nghe nói”, đối tượng nói ở đây là một người khác (người đời); trong bản dịch là “nhắc”, đối tượng “nhắc” là tác giả, nó không cho ta thấy sự yêu mến, hoài niệm của người đời dành cho “tiên hoàng”.
Hai câu kết là tâm trạng hoài niệm của Chu Văn An, qua đó ta thấy được nhân cách của vị nhà Nho luôn trăn trở, day dứt với đời.
Chu Văn An mong muốn có một minh chúa xứng đáng với lòng tin và sự ngưỡng mộ của mình. Ông nhớ lại nhà Trần buổi đầu như nhớ lại một thời oanh liệt đã đi qua. Nỗi niềm đó thể hiện ở chỗ ông không bằng lòng với thực tại, ở thái độ bất hợp tác. Thơ ông bộc lộ sâu sắc tư tưởng tình cảm của nhà ẩn sĩ nặng lòng với đời mà tự biết mình không cứu vãn nổi tình thế đang bộc lộ rõ những tiêu cực, mặt trái .
Tâm hồn của Chu Văn An có sự đồng điệu với Nguyễn Trãi. Đó là những con người mong muốn nhập thế nhưng không gặp thời đành lui về ở ẩn trong một tâm trạng day dứt, khôn nguôi và thơ ca dường như là nơi để họ gửi gắm tâm sự. Bài thơ cho ta hiểu hơn về con người và nhân cách của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét