Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Ông Đồ-Vũ Đình Liên

Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức thể hiện trong bài thơ “ông đồ” của Vũ Đình Liên

Là “dấu tích của một thời tàn”, đỉnh cao của một nỗi niềm hoài cổ, bài thơ “ông đồ” của Vũ Đình Liên mang đến cho độc giả những ngậm ngùi, thương tiếc, nỗi buồn về một thửa huy hoàng của một lớp người xưa, một nét đẹp truyền thống mang đậm phong vị Á Đông đã lùi vào dĩ vãng. Nhà thơ của phong trào Thơ mới đã sử dụng một hình thức nghệ thuật phù hợp để truyền tải một nội dung có sức ám ảnh trong lòng bạn đọc. Đọc bài thơ ta thấy có một sự hòa quyện sâu sắc giữa nội dung và hình thức, sự gắn bó mật thiết giữa hình thức và nội dung để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

Nội dung và hình thức là một phạm trù triết học, giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chúng không tách rời mà đan xen, chuyển hoá cho nhau. Một trong hai yếu tố này thay đổi thì kéo theo sự thay đổi của yếu tố kia, ví như nội dung bị thay đổi thì hình thức buộc cũng phải thay đổi cho phù hợp, hình thức bị phá huỷ thì nội dung cũng vì đó mà không còn tồn tại nữa. Sự gắn bó mật thiết này còn thể hiện ở chỗ: không có hình thức nào không mang tính nội dung và không có nội dung nào không được chứa đựng bởi một hình thức. Nội dung sẽ quyết định hình thức và hình thức quay trở lại tác động nội dung.
Trong văn chương, mối quan hệ này lại càng mang tính đặc thù. Văn chương là sự phát ngôn, là sự biểu đạt của ngôn từ, một phương tiện giao tiếp của con người. Không phải hình thức nào cũng có chức năng biểu hiện, nhưng trong nghệ thuật, trong văn chương nhất thiết phải có. Nếu nội dung bao gồm các yếu tố: đề tài, chủ đề, tư tưởng thì hình thức bao gồm: hình thức cảm tính (ngôn ngữ, các biện pháp, thủ pháp, phương tiện mà ta có thể chỉ ra trong tác phẩm: ẩn dụ, hoán dụ…) và hình thức quan niệm (hình thức mang tính nội dung hay là nội dung của hình thức). Sự thống nhất về hình thức và nội dung trong văn chương được hiểu là nội dung hoá thân vào hình thức, hình thức biểu đạt cho nội dung, mang tính nội dung. Hình thức là phương thức tồn tại và biểu hiện của nội dung tác phẩm văn chương, nó là phương tiện để biểu đạt cho sự phong phú của nội dung. Nghiên cứu, tìm tòi mặt nội dung của tác phẩm, bạn đọc đều phải mở được cánh cửa hình thức, phải “đi sâu khám phá hình thức”.
Hình thức trong ở bất kỳ tác phẩm văn chương chân chính nào phải là một sáng tạo nghệ thuật để thức dậy kinh nghiệm sống và tình cảm, suy nghĩ nơi người thưởng thức, tiếp nhận nó. Là đỉnh cao về niềm hoài cổ, bài thơ ông đồ thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa nội dung và hình thức:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu


Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi bên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?”

Bài thơ ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, được chia thành 5 khổ, kết cấu đầu cuối tương ứng với 3 đoạn:
Đoạn 1: khổ 1+2 (hình ảnh ông đồ thời vàng son)
Đoạn 2 :khổ 3+4 (hình ảnh ông đồ thời suy tàn)
Đoạn 3 :khổ 5 (nỗi niềm tác giả về một quá khứ tươi đẹp của một lớp người giờ đã trở thành vang bóng).

Với mỗi đoạn thơ, nội dung thể hiện trong bài thơ, Vũ Đình Liên lại sử dụng một giọng điệu riêng. Giọng điệu từ vui tươi đến trầm buồn, trong sáng đến ảm đạm rồi ngỡ ngàng, nuối tiếc thâu tóm cả một quá trình từ hưng thịnh đến tàn phai của một thế hệ người, một nét đẹp trong đời sống giờ đã lùi vào dĩ vãng.

Đoạn thơ đầu tiên, Vũ Đình Liên tái hiện hình ảnh ông đồ thời vàng son và để lột tả thời kì đó tác giả đã tạo dựng một khung cảnh rực rỡ, tươi vui:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay””

Tác giả sử dụng bút pháp tự sự, như đang kể một câu chuyện- một câu chuyện rất đỗi bình thường như một vòng tuàn hoàn quen thuộc: xuân về, hoa đào nở, ông đồ già với mái tóc trắng phơ phơ “bày mực tàu giấy đỏ” ngồi viết câu đối tết. Tác giả sử dụng từ “mỗi năm” thể hiện sự lặp lại đều đặn như vòng tuần hoàn của thời gian, gợi lên một cái gì đó quen thuộc, thân thương. Vũ Đình Liên đã giới thiệu tết ở một thời điểm, một góc đẹp nhất. Ông đồ cùng với hoa đào đã trở thành biểu tượng của mùa xuân, có mặt giữa mùa xuân, giữa niềm vui và hạnh phúc.
Đoạn thơ đầy những màu sắc tươi sáng và những hình ảnh tươi vui : có màu hồng phớt của hoa đào, màu đỏ tươi của giấy, có sự nhộn nhịp của người qua lại, có những lời “tấm tắc” ngợi khen, có sự ngưỡng mộ và thán phục tài năng ông đồ. Ông đồ trở thành một nghệ sĩ trong con mắt của người qua lại “hoa tay thảo những nét/ như phượng múa rồng bay”. Với chữ “hoa tay” ấy, người ta không coi ông đồ là ông đồ, là người dạy học, người truyền bá chữ nghĩa của thánh hiền nữa mà coi ông như một nghệ sĩ, một nghệ sĩ với những nét bút như “phượng múa rồng bay”. Ở đây ông đồ là trung tâm của sự chú ý, là đối tượng được ngưỡng mộ của mọi người, là hình ảnh thân quen, tượng trưng cho một phong tục văn hóa đẹp đẽ của Việt Nam.

Nhưng niềm vui ấy không kéo dài lâu. Có một sự thay đổi đã diễn ra, dẫu sự thay đổi đó chỉ diễn ra từ từ. Vũ Đình Liên đã tái hiện điều đó trong khổ thơ 3 và 4. Bạn đọc bắt gặp hình ảnh ông đồ thời suy tàn gắn với một không gian vắng vẻ, một khung cảnh ảm đạm, tàn tạ, lạnh lùng và buốt giá:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
¬
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi bên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”.

Một từ “nhưng…” kết thúc một thửa huy hoàng, rực rỡ, vàng son. Là nhà nho nơi “cửa Khổng sân Trình” không đỗ đạt, phải về quê dạy học đó là một nỗi buồn, buồn hơn nữa khi Hán học suy tàn trở thành một thứ hàng hóa để mưu sinh. Thế nhưng khi ấy vẫn còn là niềm hạnh phúc bởi người đời vẫn trân trọng chữ nho, trân trọng những câu đối tết, trân trọng một nét đẹp truyền thống, trân trọng ông đồ. Sự thưởng thức nhiệt tình của người đời, dẫu chỉ là một sự tri âm qua đường nhưng cũng mang đến thật nhiều ấm áp. Còn giờ đây:
“.. mỗi năm mỗi vắng…”
Giọng thơ trùng xuống, trầm buồn…
Một câu hỏi vang lên:
“Người thuê viết nay đâu?’
Ta như đọc thấy nỗi buồn da diết, thầm lặng của ông đồ sau từng câu chữ. Cái dáng vẻ già cỗi, vẫn ngồi bên lề đường, vẫn “mực tàu giấy đỏ” nhưng không bân rộn; vẫn hoa đào tươi đẹp rực rỡ, vẫn phố đông người qua nhưng ông đồ không còn là trung tâm mà đứng lẻ loi như bị quên lãng giữa dòng đời tấp nập. Ông đồ cô đơn và lạc lõng trong sự chảy trôi của thời gian. Đoạn thơ gợi lên những hình ảnh buồn bã, ám ảnh. Ông đồ đã không còn được ưa chuộng. Cuộc đời lạnh lùng từ bỏ, lãng quên ông.
Tác giả sử dụng phép nhân hóa càng làm tăng nỗi buồn cô đơn, hiu hắt và tăng sức biểu cảm của đoạn thơ:

“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”

Giấy đỏ cả ngày, cả tuần phơi ngoài phố hứng bụi mà không một lần nhận lấy một nét bút tung hoàng như thủa xưa trở nên buồn bã, nhợt nhạt. Mực mài sẵn đã lâu không được sử dụng đã đọng thành khối. Đó là bao nỗi sầu tủi kết đọng: nỗi sầu tủi của giấy của mực, của nghiên, của bút và của ông đồ. Khổ 4 với hình ảnh lá vàng rơi mà lại rơi trên giấy dành để viết câu đối của ông đồ là một chi tiết gợi tả. Mùa xuân, nhưng sao có lá vàng? Phải chăng ông đồ cũng giống như chiếc lá vàng kia, cố giữ lại một thời xa vắng? Nhưng rồi lá cũng rơi còn ông đồ “qua đường không ai hay”. Mưa bụi nhè nhẹ, lất phất li ti nhưng ảm đạm, lạnh lùng, buốt giá. Những chi tiết nghệ thuật làm nổi bật hình ảnh ông đồ âm thầm, lặng lẽ trong sự già nua, cô đơn và tội nghiệp. Ông lẻ loi, trơ trọi và lạc lõng giữa dòng đời không ngừng chảy trôi.
Cảnh tượng thê lương, ảm đạm mang đến trong lòng người một nỗi buồn thương, buồn thương cho một lớp người đã trở nên lạc lõng, lỗi thời trong xã hội hiện tại, cho những gì đã từng là văn hóa tinh thần nay trở nên tàn tạ. Càng ở những khổ thơ sau tác giả càng sử dụng nhiều thanh bằng. Sự phối hợp giữa các dòng thơ có nhiều thanh bằng và cách hiệp vần khiến nỗi buồn trở nên dàn trải, ngân vang. Có thể nói nghệ thuật góp phần đắc lực để biểu hiện nội dung. Một ai đó đã viết:

“Khi anh nói với em nỗi niềm đau khổ
Em ngại ngừng chẳng nói năng chi
Nhưng khi nỗi đau trong thơ anh thổ lộ
Em lại khen thi tứ diệu kì”

Bởi trong thơ, nhà thơ đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật với một thứ ngôn ngữ chon lọc, tinh tế và hàm súc có sức lay động sâu xa trong tâm hồn bạn đọc.

Hình ảnh ông đồ thời xưa và thời suy tàn là một sự tương phản, tương phản một cách nghiệt ngã. Vũ Đình Liên đặc tả sự tương phản ấy trong từng câu chữ, từng hình ảnh thơ ( từ đông vui, nhộn nhịp đến vắng vẻ, thê lương) và biểu hiện ở cả trong giọng điệu (từ vui tươi đến trầm buồn). Ngôn ngữ là một phương tiện để biểu đạt, thuộc phạm trù hình thức, cái được biểu đạt thuộc phạm trù nội dung. Vũ Đình Liên đã lựa chọn ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật để biểu đạt thành công nội dung của tác phẩm.

Nếu khổ 1 và 2 thể hiện niềm vui, thái độ ngưỡng mộ tài năng trong thời kì vàng son của ông đồ, khổ 3 và 4 tái hiện một cảnh buồn trầm lắng gắn với thời kì tàn phai thì khổ thơ cuối cùng thể hiện niềm thương tiếc, nỗi nhớ cảnh cũ người xưa của tác giả:

“Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Ông đồ đã lui vào dĩ vãng, vắng bóng trong cuộc sống sôi động. “Ông đồ già” đã trở thành “ông đồ xưa”, và đến lúc ông không còn xuất hiện. “Già” là khái niệm về tuổi tác, “xưa” là khái niệm về thời gian, giữa hai từ đó có vô vàn ngày tháng đã qua đi. Để rồi ông đồ chỉ còn là “người muôn năm cũ”, đó là một cái gì đó đã thuộc về một thế giới khác. Một nghịch cảnh trớ trêu: đào vẫn nở đẹp nhưng ông đồ thì không còn nữa, sự song hành ấy đã biến mất. Thiên nhiên vẫn còn tươi đẹp nhưng cuộc sống và con người đã khác xưa, ông đồ đã trở thành cái “di tích tiều tụy và đáng thương của một thời tàn”.
Cảm giác ngậm ngùi đọng lại ở câu thơ cuối:
“Hồn ở đâu bây giờ?”
“Hồn”: Những con người tài hoa, những nhà Nho xưa giờ đã dần biến mất. Bài thơ thể hiện một sự mất mát: ông đồ mất vị thế trong xã hội, mất tri kỉ, mất kế sinh nhai và cả dấu tích tiều tụy cuối cùng cũng biến mất.

Bài thơ ngắn gọn, lời thơ giản dị nhưng dư ba và lắng đọng, để lại trong lòng bạn đọc những dư âm không bao giờ dứt. Nỗi niềm hoài cổ là một đề tài của các nhà thơ mới lãng mạn. bên cạnh rất nhiều bài thơ viết về nội dung này, bài thơ “ông đồ” của Vũ Đình Liên vẫn có những đặc sắc riêng. Sự đặc sắc đó không chỉ được tạo ra từ nội dung mà quan trọng là từ hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Những phân tích trên đã cho ta thấy điều đó. Vũ Đình Liên đã sử dụng thể thơ 5 chữ, ngôn ngữ rất giản dị, chân thực. Ai đó đã nói rằng “thơ hay là thơ giản dị”, điều này thật đúng với bài thơ ông đồ. Cái hay của bài thơ toát ra ở từng câu chữ, ở từng hình ảnh thơ, ở giọng điệu và ở cấu tứ bài thơ. Sự chặt chẽ, gắn bó còn thể hiện ở chỗ không thể thay thế hay lược bỏ một từ nào trong bài thơ bởi mỗi từ giữ một vị trí, một vai trò trong tổng thể thống nhất đó. Bài thơ hay bởi sự kết hợp giữa các yếu tố nghệ thuật, sự phù hợp giữa hình thức và nội dung. Nội dung và hình thức hòa quyện một cách khó tách biệt. Niềm hoài cổ đã khiến Vũ Đình Liên tìm đến những hình ảnh thơ giản dị, đời thường nhưng đầy xúc cảm, giọng điệu thay đổi trong từng khổ thơ ; ngược lại những hình ảnh thơ, những từ ngữ trong câu thơ đã giúp tác giả truyền tải được nội dung và tình cảm chân thành của mình đến bạn đọc. Vì vậy có thể nói nội dung và hình thức tạo nên tính chỉnh thể cho tác phẩm văn học.

“Thơ hay là thơ giản dị”, là thơ có sự thống nhất và phù hợp giữa hình thức và nội dung. “Ông đồ” là một biểu hiện cho mối quan hệ hai chiều đó và không chỉ riêng bài thơ “ông đồ” mà ở tất cả những tác phẩm văn học có giá trị thì nội dung tư tưởng và hình thức luôn “hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác” như Bielinxki đã từng nói.

1 nhận xét: