Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Tội ác và trừng phạt

Cuộc đối thoại của Raxkonikov và Sonia
(Tội ác và trừng phạt- Dostoievski)

“Tội ác và trừng phạt” là cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Dostoievski, thể hiện những mâu thuẫn giằng xé và khát vọng hài hòa đến cùng cực của nhà văn. Với “tội ác và trừng phạt”, Dostoievski dường như đã đi đến những ngóc ngách sâu xa và phức tạp nhất trong tâm hồn con người bằng việc phân tích tâm lí nhân vật. Một trong những thủ pháp quan trọng để nhà văn thể hiện tâm lí nhân vật chính là việc dựng lên những cuộc đối thoại của các nhân vật. Và một trong những cuộc đối thoại quan trọng trong tác phẩm là cuộc đối thoại của Raxkonikov và Sonia.

Ngôn ngữ là công cụ để con người tư duy và là phương tiện để giao tiếp, trao đổi thông tin, chia sẻ tình cảm và tư tưởng. Một cách trực tiếp để thực hiện mục đích đó là đối thoại. Đối thoại có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Các nhà nghệ sĩ đã tận dụng vai trò của nó để sáng tạo nghệ thuật. Đi vào văn học, đối thoại vẫn là “lời nói của các nhân vật tham gia giao tiếp hướng vào nhau trong đó sự chủ động và thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía này sang phía kia” nhưng nó được coi là một biện pháp để nhà văn xây dựng các tác phẩm tự sự. Dostoievski đã sử dụng rất nhiều đối thoại để xây dựng tác phẩm của mình. Mỗi cuộc đối thoại quan trọng trong tác phẩm đều cho ta thấy tư tưởng của nhân vật. Những cuộc đối thoại đó là những cột mốc chuẩn bị cho một sự kiện sắp xảy đến, mở ra một hoàn cảnh mới mà nhân vật sắp lâm vào từ đó thúc đẩy cốt truyện phát triến. Ví dụ cuộc đối thoại của Raxkonikov và bà Aliona trong đoạn đầu tác phẩm là mở đầu của một quan hệ tất yếu sẽ phát triển và một hoàn cảnh mới mà nhân vật sắp lâm vào; cuộc đối thoại của Raxkonikov và Mamelazov củng cố thêm tư tưởng và hành động thể nghiệm tư tưởng bằng tội ác của Raxkonikov; cuộc đối thoại của Raxkonikov và Razumikhin lại mở ra quá trình tâm lí tội ác của Raxkonikov…Cuộc đối thoại của Raxkonikov với Sonia cùng là một cuộc đối thoại quan trọng trong tác phẩm. Đây là lần đầu tiên sau những dằn vặt đau khổ bởi hành động tội ác Raxkonikov đã tự thú, hành động này đánh dấu cho sự cứu rỗi tâm hồn anh.
Tội ác và trừng phạt là cuốn tiểu thuyết đa thanh, trong đó có nhiều tuyến cốt truyện đan xen: cốt truyện về Mamelazov, về cuộc đời Sonia… nhưng trong đó tiêu biểu hơn cả là cốt truyện về Raxkonikov- một chàng sinh viên Luật nghèo ôm ấp trong mình tư tưởng người hùng muốn thay đối và đem đến cái mới cho xã hội.
Cuộc đối thoại của Raxkonikov và Sonia là một cuộc đối thoại quan trọng trong tác phẩm. Nó cho ta thấy nguyên nhân hành động tội ác, tuy nhiên để hiểu hơn về nội dung cuộc đối thoại, chúng ta cần nắm vững được tư tưởng của Raxkonikov được tác giả trình bày trong tác phẩm, đặc biệt là quan điểm phân chia con người ra thành hai loại của anh. Chính quan điểm này đã chi phối suy nghĩ và hành động của Raxkonikov. Raxkonikov không phân chia con người dựa theo tiêu chí giai cấp sang-hèn hay giàu-nghèo mà anh phân chia con người dựa theo quan điểm nhân học. Theo Raxkonikov trên thế giới này chỉ có hai loại người. Đó là người bình thường và kẻ phi thường:
-Người bình thường theo quan điểm của Raxkonikov là vật liệu dùng để sản sinh ra những kẻ như họ. Đó là những người có bản tính bảo thủ, yên lành, sống trong sự phục tùng và vốn thích phục tùng, có bổn phận phải phục tùng vì công dụng của họ là như vậy. Những con người này là chủ nhân của hiện tại, họ chiếm đại đa số và có nhiệm vụ bảo tồn thế giới, làm cho nó phát triển về số lượng. Raxkonikov gọi những người này là những “con rận”.
-Đối lập với loại bình thường là loại phi thường. Loại phi thường là những người chân chính, có thiên bẩm hoặc có tài nói lên một ý mới trong môi trường của mình. Đó là những người vượt qua pháp luật, là những kẻ phá hoại và có khuynh hướng phá hoại. Lương tâm có quyền cho phép họ gây ra nhiều tội ác . Tuy vậy họ là những người phải chịu đựng một nỗi buồn sâu rộng trên cõi đời này. Khác với loại bình thường, họ là chủ nhân của tương lai, có số lượng rất ít (1/1.000.000). Họ có nhiệm vụ thúc đấy thế giới và dẫn dắt nó đến mục đích: luôn đòi phá hủy hiện tại vì một tương lai tốt đẹp hơn. Napoleon là đại biểu của loại người phi thường này.
Phân chia con người thành hai loại, Raxkonikov cũng nhấn mạnh đến các biến tướng: Đó là những con người bẩm sinh có tính phục tùng nhưng vì một lí do nào đó có những người thích cho mình là những kẻ tiên phong hoặc có những người chỉ vượt lên mức bình thường một chút. Tiêu chí phân chia của Raxkonikov có hai điểm tựa: điểm tựa nhân học và mục đích cao đẹp, vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Vì sao Raxkonikov lại có tư tưởng như vậy? Câu hỏi này sẽ được anh trả lời trong cuộc đối thoại với Sonia
Trong nỗi đau khổ, dằn vặt; trong sự khủng hoảng tâm lí trầm trọng và một nỗi cô đơn như biển cả, Raxkonikov đã tìm đến Sonia-người mà anh cảm thấy có một điểm gì đó tương đồng với mình. Trong tác phẩm có 4 lần tác giả để Raxkonikov và Sonia trực tiếp đối thoại và cuộc đối thoại quan trọng nhất chính là lời tự thú của Raxkonikov với Sonia. Để có cuộc đối thoại này, Raxkonikov đã trải qua một cuộc giằng xé ghê gớm “…trong tâm hồn chàng đã diễn ra một hiện tượng kỳ dị. Khi tới đến căn nhà của Kapernaumov, chàng bỗng thấy bủn rủn hắn ra vì kiệt sức và sợ hãi. Chàng dừng lại trước cửa, lòng ray rứt vì một câu hỏi kỳ lạ: "Có nên nói ai nói ai đã giết Lizaveta không?””. Và ngay từ đầu anh đã nói cho Sonia mục đích mình tới đây. Đó là cầu xin sự tha thứ, sự cứu rỗi một tâm hồn đang đau khổ: “Hôm qua chính tôi có nói với Sonia là tôi sẽ đến không phải để xin tha thứ, thế mà nay tôi lại hầu như mở đầu bằng một lời cầu xin tha thứ… Tôi nói đến Lugin và đến ý Chúa là để… xin tha thứ đấy Sonia ạ…”
Như trên đã nói cuộc đối thoại của Raxkonikov và Sonia cho ta thấy nguyên nhân hành động tội ác của anh. Cuộc đối thoại này là một trong những cuộc đối thoại hấp dẫn của tác phẩm bởi đây chính là lời giải đáp những thắc mắc tò mò của bạn đọc về tư tưởng của nhân vật cũng như hành động khó hiểu của anh: giết người để lấy của nhưng có vẻ không phải thế; giết người là vì người thân nhưng hình như là vì chính bản thân anh…
Cuộc đối thoại cho ta những lí do sau:
-Lí do đầu tiên là do hoàn cảnh gia đình, bản thân nghèo khổ: “mẹ anh hầu như chỉ có hai bàn tay trắng. Em gái anh có được ăn học chăng cũng là chuyện tình cờ, buộc lòng phải đi làm gia sư cho người ta”. Hoàn cảnh ấy khiến anh phải suy ngẫm rất nhiều, anh không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình nghèo khổ và thiếu thốn ấy. Cảnh nhà đã vậy, trong cái xóm dân nghèo, nơi Raxkonikov ở, trước mắt chàng trai ngày tiếp ngày diễn ra bao cảnh đời lầm than, cùng quẫn. Anh thấu hiểu sâu sắc rằng không chỉ riêng mình, gia đình mình mà vô số những ngưòi khác, gia đình khác gần gũi thân quen cũng đang bị cái cơ chế của xã hội hiện hành đày đọa trong cảnh ngộ khốn quẫn, hèn kém, tủi nhục.
-Lí do thứ hai là do bản tính nhân hậu, giàu tình đời tình người của anh: Raxkonikov rất thương mẹ và em gái. Anh muốn tạo được một cuộc sống ổn định về kinh tế để có thể bù đắp và lo lắng cho hai người thân của mình. Và không những thể, anh còn muốn giúp đỡ những con người nghèo khổ, bất hạnh trên cõi đời này: “Mà lẽ nào có thể đành tâm suốt đời thờ ở với mọi việc, quay mặt đi để khỏi thấy sự đời, quên cả mẹ mình, cam tâm để cho người ta xúc phạm tới em gái mình chẳng hạn?”. Điều này lí giải tại sao cuộc đối thoại của anh và Mamelazov (cha Sonia) ở đầu tác phẩm củng cố thêm tư tưởng của anh. Chính trong tác phẩm ta cũng thấy nhiều lần Raxkonikov hiện lên là một con người hào hiệp một cách vô tư. Một con người sống trong cảnh nghèo túng đến khốn khổ nhưng đã từng nuôi dưỡng một người bạn học đau ốm trong vòng nửa năm trời; đã từng nhịn đói ngày này qua ngày khác, bỏ những đồng xu cuối cùng trong túi ra để giúp gia đình Marmeladov lâm vào cảnh thương tâm, để giúp một cô bé hoàn toàn không quen biết bị kẻ gian lừa đảo. Lòng vô tư, hào hiệp ấy hài hoà với những đức tính khác trong nhân cách Raxcolnicov: khảng khái, cương trực, chân thật, quả cảm. Đức tính này của Raxkonikov khiến Sonia vô cùng sửng sốt khi biết kẻ giết Aliona và Lizaveta. Cô đã thốt lên khi biết sự thật này: “Nhưng chả nhẽ lại có thể như thế thật! Trời ơi, sự thật gì mà khủng khiếp thế! Ai mà tin được? Làm sao, làm sao mà anh, người đã đem cho những đồng tiền cuối cùng của mình, lại có thể giết người để lấy của!”
-Lí do thứ ba thúc đẩy Raxkonikov thực hiện hành động tội ác là tâm lí thích sống cô độc, Điều đó càng khiến cho tư tưởng anh có điều kiện phát triển và in sâu trong đầu anh như một sự cuồng tín
“Anh rút sâu vào trong xó như con nhện.”
“Em có biết rằng những trần nhà thấp lẽ tè và những căn buồng chật chội nó đè ép tâm hồn và trí tuệ con người ra sao không? Trời ơi, sao anh căm thù cái chuồng chó ấy đến thế! Thế nhưng anh vẫn không muốn đi ra khỏi”
Và trong căn phòng ngột ngạt, bức bối và khó chịu ấy Raxkonikov dành hàng giờ, hàng đêm để suy nghĩ mông lung về những giấc mơ li kì, có những khi là cơn ác mộng hãi hùng. Anh sống xa cách với mọi người và thậm chí là lìa tránh mọi người: “Đã từ lâu anh không nói chuyện với ai”. Trong con căn phòng mà tác giả đã ví với “chiếc quan tài”, có ai đó đã nhận xét rằng nó “tượng trưng cho sự cô thế tuyệt đối của con người giữa nhân gian” và “trong căn buồng-quan tài ấy Raxkolnikov trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng thế giới quan nhân đạo và “thai nghén” một ý đồ mới, phản nhân đạo”. Anh luôn tự coi mình là một kẻ khác biệt và luôn nung nấu trong tâm trí một suy nghĩ đơn độc, những căm uất về thực tại bất công và ước muốn tìm ra một lối thoát. Tâm lí này khiến cho Raxkonikov luôn cảm thấy cô đơn, không ai có thể hiểu mình. Ngay cả với Sonia, người mà trong lúc đau khổ nhất anh nói “tôi chỉ còn mỗi mình em nữa thôi” nhưng anh cũng cảm thấy “em sẽ không hiểu gì đâu”

-Lí do thứ tư là anh muốn trở thành một người phi thường có thể cứu giúp bản thân và xã hội: “anh muốn làm một Napoleon, cho nên anh giết người”. Ước muốn trở thành một “siêu nhân” giúp Raxkonikov vượt qua những luân lí hèn nhát thông thường và đi đến một kết luận:
“…ai có một trí tuệ và một tinh thần vững mạnh thì kẻ đó chính là chúa tể của họ! Ai có thừa quả cảm, thì kẻ đó có lý đối với họ. Ai có gan nhổ toẹt vào tất cả, thì kẻ ấy là người cầm cân nấy mực”
Chí hướng của Raxkonikov chính là mục tiêu dành lấy địa vị là chú tể nhân gian như Napoleon để cứu giúp bản thân và nhân loại, mang hạnh phúc đến cho loài người

-Lí do thứ năm cũng là lí do quan trọng nhất, đó là Raxkonikov muốn biết mình là ai-một vấn đề khiến rất nhiều người suy ngẫm và trăn trở. Ở đây, Raxkonikov dường như đã gạt bỏ đi những lí do trước mà anh đã thổ lộ. Raxkonikov nói: “tôi không đến nỗi đói đến thế… quả nhiên tôi có muốn giúp mẹ, nhưng… cũng không hẳn như thế…”
“…giá tôi giết người vì đói,… thì bây giờ… tôi sẽ sung sướng lắm!”
“…anh muốn giết người không phải biện luận, giết vì mình, cho mỗi một mình mình thôi! Trong vấn đề nầy anh không muốn dối trá, dù với bản thân cùng vậy. Anh giết người không phải để giúp mẹ - đó chỉ là chuyện nhảm?Anh giết người không phải để nắm lấy phương tiện và quyền hành rồi đứng ra làm kẻ ban ơn cho nhân loại. Nhảm hết! Anh chỉ giết thôi; giết cho mình, cho mỗi mình mình, còn như sau đó có trở thành ân nhân của ai không hay suốt đời như một con nhện giăng lưới bắt hết mọi người để hút lấy máu tuỷ của họ, thì lúc ấy đối với anh chắc chẳng có gì quan trọng hết! Và cái chính là khi anh giết không phải anh cần tiền”
Raxkonikov trăn trở:
“…anh có phải là một con rận như mọi người khác, hay là một con người? Anh có thể vượt qua trở lực hay không? Anh có dám cúi mình xuống nắm lấy quyền lực hay không? Anh là một con sâu bọ run rẩy, hay là kẻ có quyền.”
Những lời thổ lộ của Raxkonikov cũng cho ta thấy tâm lí khủng hoảng, nỗi cô đơn của anh. Con người ấy dường như luôn sống trong trạng thái thiếu sự bình ổn trong tâm hồn. Đặc biệt là sau khi gây ra hành động tội ác, Raxkonikov càng muốn xa lánh mọi người, kể cả những người thân yêu và gần gũi nhất. Anh luôn căng thẳng, dễ bị kích động mỗi khi ai đó nhắc đến một chi tiết nào đó có liên quan đến hành động của mình theo kiểu “có tật giật mình”. Điều này đã khiến Raxkonikov, mặc dù đã thực hiện hành động một cách trót lọt nhưng vẫn bị nghi ngờ và bị phát hiện
Trở lại với lí do Raxkonikov muốn biết mình là ai, ta có thể thấy hành động giết người của anh là để thể nghiệm tư tưởng “anh chỉ muốn tỏ ra mình có gan làm thôi” và để xem xem “anh có phải là một con rận như mọi người khác, hay là một con người?”. Bởi vì Raxkonikov muốn mình trở thành một người phi thường, một Napoleon có thể dẫm lên xác một người hoặc băng qua một con sông máu mà không hề hối tiếc, miễn là đạt được mục đích cứu giúp nhân loại. “Cái giáo lý đen tối ấy đã trở thành tín ngưỡng và luật pháp” của Raxkonikov. Raxkonikov giết người không phải vì chuyện cơm áo, anh cần nhiều tiền nhưng tiền chỉ là phương tiện không phải là động cơ chính của tội ác. Giống như Porfiri có lần đã nói rằng “anh ta nghĩ phải thực hiện một cuộc viễn chinh mà muốn viễn chinh phải có tiền”. Tội ác với Raxkonikov là cách để chiêm nghiệm tư tưởng, chính vì vậy anh đã trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm quyết liệt. Đây là một cách để nhân vật nhận thức đúng đắn về vị trí bản thân: anh là con người phi thường hay tầm thường. Để thực hiện tội ác trong sự cho phép của lương tâm, Raxkonikov muốn chiến thắng chính mình, vượt qua những trở ngại, rào cản của lương tâm mà anh coi thường và khinh bỉ
Nhưng Raxkonikov đã không đạt được mục đích đó, anh có gan giết người, có gan thực hiện tư tưởng nhưng không thể bảo vệ được tư tưởng đó. Anh không thể thờ ơ, dửng dưng mà rơi vào khủng hoảng tâm lí trầm trọng. Tội ác trở thành một gánh nặng tâm lí, một cảm giác ghê tởm với bản thân. Hình ảnh cái chết rùng rợn của Aliona ám ảnh anh. Tội ác diễn ra nhưng tư tưởng chưa được giải quyết, nhân vật rơi vào bi kịch của sự không thỏa mãn. Và Raxkonikov thú nhận “tôi cũng là một con rận như mọi người thôi!”
Thực chất tư tưởng của Raxkonikov là triết lí sùng bái cá nhân, sùng bái quá đáng cái tôi để dẫn đến một sự nổi loạn chống lại mọi luật lệ và các chuẩn mực đạo đức, cho rằng bậc siêu nhiên thì mọi cái đều được phép làm, điều đó thể hiện một sự cuồng tín. Đằng sau tư tưởng là hành động giết người và đằng sau hành động đó là sự dằn vặt và day dứt. Nhưng tuyệt nhiên Raxkonikov day dứt không phải vì cảm thấy tội lỗi, vì nhận thấy hành động của mình là một tội ác và rằng mình đã sai lầm “Còn mụ già ấy thì quỷ nó giết chứ không phải tôi…”, “Anh chỉ giết một con rận thôi, Sonya ạ, một con rận bẩn thỉu, vô dụng, nguy hại.” Raxkonikov chưa bao giờ coi hành động của mình là tội ác, anh khổ sở bởi vì anh nhận thấy mình chỉ là một thằng hèn, thấy “xấu hổ kinh người” bởi vì đã không dũng cảm bảo vệ tư tưởng và hành động thể nghiệm tư tưởng của mình đến cùng. Raxkonikov nhận ra mình không thể trở thành một Napoleon. Ngay khi anh đặt câu hỏi “giá Napoleon ở vào cảnh ấy, ông ta có làm hay không?” và anh tự trả lời “anh đã cảm thấy rõ ràng mình không phải là Napoleon…”. Anh đã thất bại trên con đường thể nghiệm tư tưởng của mình. Một sự thất bại đau đớn, nó khiến Sonia phải thốt lên “bây giờ trên đời không còn ai bất hạnh hơn anh nữa!”. Tấn bi kịch của Raxkonikov bắt nguồn từ sự căm ghét trật tự xã hội nhưng lại không thể vượt qua được nó. Nỗi nhức nhối ở đây ngày càng xót xa, Raxkonikov cảm nhận sâu sắc tự mình đã hủy diệt những quan hệ giữa mình với mọi người, đã chia lìa hẳn với mọi người kể cả những người thương yêu, ruột thịt. Khi vung búa lên giết bà già cầm đồ khốn khổ đó, đâu phải chỉ là giết bà ấy mà cũng là vung búa lên đập tan tành tính người của chính mình. Trong một lần đối thoại gay gắt, Raxkônnhikôp đã thốt lên: “Ta đã giết không phải một người, ta đã giết một nguyên lí”. Tư tưởng siêu nhân đã xô đẩy Raxkônnhikôp đến chỗ sát hại ngay trong bản thân cái nguyên lí nhân tính, nhân ái trong anh.
Tất cả những nguyên nhân trên cho ta hiểu vì sao một con người hào hiệp, có những đức tính tốt đẹp như Raxkonikov lại phạm phải trọng tội giết đến hai mạng người. Raxkonikov đã giết người với mục đích thể nghiệm tư tưởng. Ở con người có những suy nghĩ khác biệt với mọi người này được cấu thành bởi sự kết hợp nghịch lý những phẩm chất dường như không thể dung hoà với nhau: “tột mực ích kỷ đi đôi với tột mực vị tha; tàn nhẫn đến quái ác đi đôi với hiền từ đến mềm yếu; kịch liệt khinh ghét con người nhưng lại nhiệt thành thương yêu con người; ngang ngược chà đạp lên công lý mà lại tha thiết hướng về công lý”. Ở Raxkonikov tồn tại một khối mâu thuẫn giữa con người và tư tưởng không thể giải quyết nổi. Nó như một chứng tích đau khổ của con người trên con đường vươn tới “miền đất Thánh”
Cuộc đối thoại trên đã mở ra cho ta thấy tâm lí vô vùng phức tạp của con người và đằng sau đó là biệt tài miêu tả, thể hiện tâm lí nhân vật của nhà văn đại tài Đostoievski. Nhà văn không chỉ cho ta thấy tâm lí, tư tưởng của nhân vật Raxkonikov mà còn mở ra một tâm hồn trinh bạch, trong trắng của Sonia-người phụ nữ mà trong lúc khủng hoảng nhất Raxkonikov đã tìm đến như để cứu rỗi cho tâm hồn mình.
Tâm lí của Sonia không phức tạp như Rakonikov, cũng không nhiều biến động như anh. Trong suốt cuộc đối thoại, Sonia chủ yếu đóng vai trò lắng nghe, lời thoại của cô rất ít và đó thường là những lời cảm thán cùng với một tâm trạng đau khổ đến tột độ. Cô đã trao cho Raxkonikov cây thánh giá như biểu tượng của sự cứu rỗi: “Chúng ta sẽ cùng đau khổ, thế thì hãy cùng đeo giá thập tự!”. Ở Sonia, sự yêu thương người khác là mục đích sống cao nhất để cô tiếp tục sống. Sonia được xây dựng là một cô gái điếm nhưng mang trong mình một tâm hồn thánh thiện. Raxkonikov tìm đến Sonia để lấy lại niềm tin nơi Chúa, tin vào con người và cuộc sống. Cô đòi hỏi Raxkonikov sự chuộc tội để đi đến cứu rỗi. Cô không ghê tởm và xa lánh anh. Lời khuyên tự thú của Sonia có ý nghĩa: chịu sự trừng phạt của tòa án pháp luật nhưng lại được sự giải thoát của tòa án lương tâm
“Đến với Sonya, chàng đã cảm thấy là tất cả niềm hy vọng, là lối thoát duy nhất của mình; chàng muốn trút bớt dù chỉ một phần những nỗi thống khổ của chàng…”
Theo Đoàn Thị Việt Nga trong cuốn “đối thoại nghệ thuật trong tiểu thuyết tội ác và trừng phạt của Dostoievski” thì đối thoại trong tiểu thuyết này có số lượng rất lớn, mỗi đối thoại thường dài và chứa đựng nhiều thông tin. Đặc biệt trong tác phẩm này tác giả sử dụng nhiều dạng thức đối thoại: đối thoại trực tiếp, đối thoại dẫn theo lời kể của tác giả, đối thoại nội tâm, đối thoại không lời và tiểu đối thoại (đối thoại trong độc thoại). Đoạn đối thoại của Raxkonikov và Sonia cũng phần nào cho ta thấy được những đặc điểm đó.
Đối thoại giúp con người thể hiện được suy nghĩ, tư tưởng và tình cảm của mình. Cuộc đối thoại của Raxkonikov và Sonia cho ta thấy “tội ác và trừng phạt”. Tội ác thể hiện ở lời tự thú, ở những nguyên nhân và động cơ gây án. Hình phạt là những đau khổ, day dứt, sự khủng hoảng đến cực độ trong tâm trí nhân vật cũng như nỗi cô đơn mà anh đang phải chịu đựng khi tự tách mình ra khỏi thế giới này. Không những thế qua cuộc đối thoại này ta cũng thấy được tư tưởng và tâm lí của Raxkonikov. Dostoievski đã đi vào những ngõ sâu xa nhất trong tâm hồn con người để miêu tả một cách sâu sắc và rất thành công tâm lí phức tạp của nhân vật-một con người “bí ẩn” mà mỗi thế hệ, mỗi trào lưu, mỗi độc giả lại có cách đánh giá khác nhau.

1 nhận xét: