Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Cô hàng xén-Thạch Lam

CÔ HÀNG XÉN (THẠCH LAM)
Nghệ thuật không phải lúc nào cũng là những thứ quá kì vĩ hay độc nhất vô nhị trong cuộc đời. Nghệ thuật có khi chỉ là một chiếc lá thường xuân xanh tươi bám trên một tường nhà rêu phong cũ kĩ. “ Bụi quý” mà người nghệ sĩ bòn đãi luôn luôn ẩn khuất trong những điều bình thường ngỡ như tầm thường nhất của cuộc sống chúng ta. Mang sứ mệnh tìm kiếm “vì sao” trong một “vũng bùn” lầy lội (ý của Đốpgiencô), các nhà văn cần có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và hơn thế họ phải có cả trái tim yêu con người chân thành nhất. Không có nhiều nước mắt, cũng không có những tuyên ngôn về nhân quyền dân quyền vĩ đại, những trang viết của Thạch Lam là hơi thở sinh động của cuộc sống đời thường, lại nhẹ nhàng, trữ tình như một bài thơ xinh xắn. Nhưng ở chúng vẫn thấm đượm tình yêu con người ấm áp, chân thành của một tấm lòng nghệ sĩ đôn hậu, nhân ái. Đọc “Cô hàng xén”, lắng nghe và bắt nhịp với những dòng cảm xúc của nhân vật ta sẽ cảm nhận được tình yêu cao quý ấy chan chứa trong từng dòng văn, con chữ của nhà văn Thạch Lam.
Chợ huyện một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên Châu, Trần
Tác phẩm bắt đầu bằng một câu ca dao dung dị, mộc mạc để từ đó Thạch Lam dẫn chúng ta bước hẳn vào thế giới của một cô hàng xén nào đó ở thôn quê Việt Nam. Cô Tâm đẹp người đẹp nết, ngồi bán hàng kim chỉ, gương lược... lấy tiền nuôi gia đình và em trai đi học. Rồi cô đi lấy chồng, một cậu tú nghèo. Trách nhiệm với nhà chồng và nhà mình dồn lên vai cô như một thứ quang gánh vô hình nhưng nặng trĩu. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh Tâm “ cúi đầu đi nhanh trong bóng tối”. Tác phẩm chỉ có thế. Cũng như hầu hết những truyện ngắn khác của mình, Thạch Lam chẳng đan cài nhiều tình tiết, cũng không kéo ai đi vào một ma trận chữ nghĩa, câu văn gọn gàng, “ co duỗi mềm mại”, nội dung giản dị dễ hiểu, chừng ấy thôi sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi: vậy cái “bụi quý” đẹp đẽ nằm ở đâu trong tác phẩm? Có lẽ văn Thạch Lam không nên tóm tắt, điều đó chẳng khác nào việc chúng ta ngồi đếm những ngôi sao trên trời. Sao sáng đấy những có bao giờ ta đếm hết được đâu… Vì không thể làm công việc của một người đếm sao nên chúng ta sẽ phải tìm đến con chữ, nhờ con chữ giải đáp hộ vướng bận trong lòng ta mà thôi
Cô hàng xén tên Tâm trong cái buổi chợ phiên hôm ấy là người xinh đẹp nức tiếng lại đảm đang nết na. Có lẽ nhiều người sẽ chỉ nhớ đến cô bởi vẻ ngoài dễ thương, người sâu sắc hơn thì ấn tượng bởi sự thùy mị, tháo vát ở một cô gái sớm biết lo toan việc nhà. Thạch Lam không phải một người qua đường vội vã, hời hợt, ông đứng từ xa, quan sát và khám phá những nỗi niềm ẩn đằng sau gương mặt xinh xắn, hiền dịu kia để rồi hòa cùng với nỗi lo âu, hoang mang của người ta như một người bạn tri kỷ. Và có xa xôi gì đâu, tấm lòng thông cảm, đồng cảm sâu sắc ấy của nhà văn chính là “bụi quý” chúng ta đang tìm kiếm.
Đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật chính, Thạch Lam cảm nhận được sự nhọc nhằn vất vả của cô hàng xén, đó là cái khổ vì thiếu thốn vật chất. Trong tác phẩm của ông, kẻ trí thức lẫn nông dân đều phải vật lộn trở trăn với miếng cơm manh áo hàng ngày, hàng giờ. Con người ta bị cái nghèo, cái đói dày vò đến nỗi không tìm ra lối thoát cho cuộc đời. Đó là những mẹ Lê ( nhà mẹ Lê), Sinh ( đói), Bào ( Người bạn trẻ)…Cùng là cái đói nghèo, nhưng mỗi nhân vật, nỗi khổ sở thiếu thốn ấy lại ở những trạng thái và dạng thức khác nhau. Với cô hàng xén Tâm, cái nghèo đói vẫn chưa xô đuổi Tâm đến mức cùng quẫn như những nhân vật kể trên nhưng tưởng như nó là một thứ khí quyển thứ hai vây quanh cuộc sống của cô, nó hắt lên những món hàng xén lặt vặt của Tâm một tương lai mịt mờ vô vọng. Từ thời còn son trẻ theo bạn bè gánh hàng xén đi khắp chợ buôn bán cho đến lúc về làm vợ nhà người, cũng vẫn gánh hàng bé xíu ấy, Tâm chắt chiu từ đó để nuôi gia đình mình. Những đồng tiền cô kiếm được - trước là để lo cho em, sau lại thêm gia đình chồng- vốn đã ít ỏi, nay bị xẻ nhỏ lại càng ít ỏi hơn. Và cuộc đời cô cứ như một tấm vải , ngày qua ngày cần mẫn dệt đều những đường chỉ thô ráp, nối dài cơ cực và mệt mỏi cho một đời người. Đến cuối tác phẩm, sau khi đưa hai chục bạc- số tiền lấy họ của chồng cho em Lân, Tâm trở về nhà trong nỗi buồn và lo sợ, “nàng cúi đầu đi nhanh vào bóng tối”. Sự sợ hãi loang dần trong bóng tối ở kết thúc tác phẩm không phải một nỗi sợ sinh lý, mang tính bản năng mà đó là sự sợ hãi, hoang mang của một mảnh đời loanh quanh trong nghèo đói, không tìm ra được lối thoát cho ngày mai. Nếu như Sinh vùng vẫy trong cái đói với trạng thái hèn hạ cay đắng, Bào lại trong tình trạng bơ vơ, bất lực thì Tâm lại gắn cái nghèo đói với nỗi lo âu không vun vén chu toàn được cho hai gia đình nội, ngoại. Cái tinh tế, nhạy cảm của Thạch Lam là ở đó, ông len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn người, lắng nghe những vang động sâu thẳm bên trong để thông cảm đồng cảm với những thân phận khác nhau. Nếu không bằng một tấm lòng chân thành và giàu tình yêu thương liệu Thạch Lam có thể viết về những mảnh đời ấy chân thực và sinh động đến thế?
Thạch Lam đã từng tâm sự về thiên chức của nhà văn là “ phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, yêu thương hơn”, trung thành tuyệt đối với lý tưởng mình nêu ra, Thạch Lam giống như người thợ hót rác già Samet, ông đi vào buổi chợ đời, tìm trong đó “ những hạt ngọc ẩn giấu bên trong con người” ( Nguyễn Minh Châu). Thật may mắn, Thạch Lam đã không mất quá nhiều thời gian để tạo nên những “bông hồng vàng” bởi cái tốt, cái đẹp trong đời với nhà văn còn nhiều lắm. Thạch Lam dùng tấm lòng đôn hậu, bao dung của mình để soi chiếu lên các nhân vật, dễ dàng tìm ra những phẩm chất cao đẹp trong họ và từ đó trân trọng, ngợi ca con người như những biểu tượng đẹp trong cuộc sống. Quay lại với cô hàng xén, vẻ đẹp đầu tiên chính là ngoại hình. Nhà thơ Quang Dũng đã từng làm thơ về cô hàng xén:
Các cô hàng xén ngày xưa
Gương tròn bỏ túi
Tóc giắt hoa nhài
Khi gió mùa xuân
Xanh càng tươi lộc
Xem bói Kiều gieo quẻ nhân duyên.
( Cô hàng xén)
Rồi cả Hoàng Cầm cũng có câu thơ về cô hàng xén đất Kinh Bắc:
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng.
( bên kia sông Đuống)
Cô hàng xén Tâm trong truyện của Thạch Lam cũng xinh, cũng nổi tiếng khắp vùng đến mức “ bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lời chòng ghẹo”. và cái đẹp ngoại hình ấy lại càng tươi thắm, rực rỡ hơn khi cô cũng mang trong mình một tâm hồn tinh khiết như hoa huệ. Trong các truyện ngắn của Thạch Lam, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của Tâm trong những cô Liên, cô Nga… Ta tự hỏi phải chăng Tâm chính là hiện thân cho cái đẹp truyền thống đoan trang, thùy mị, đẹp người đẹp nết của người con gái Việt Nam?
Cái đẹp ở Tâm mà Thạch Lam muốn ngợi ca đâu chỉ là ngoại hình, mà cái chính là ở tâm hồn cô- một tâm hồn thanh cao, đẹp đẽ vô ngần. Tâm là chị Cả, là con gái đầu, lại là vợ của một thầy giáo nghèo. Dẫu biết một con người thì luôn có rất nhiều mối quan hệ xã hội, trong mỗi mối quan hệ lại đóng những vai trò khác nhau, nhưng với Tâm, cô phải hoàn thành tốt ba vai trò ấy cùng một lúc là một việc quá sức và áp lực. Nào là “ lo tiền cho chồng vụ thuế, những lúc giỗ tết, phải may vá cho Bài: chiếc áo lương mới chàng sắm ngày cưới đã bắt đầu bạc và rách rồi”, nào là “em Lân đã lên trường tỉnh, sự tốn kém lại càng tăng thêm” , về nhà chồng ít lâu Tâm còn sinh con, gánh nặng trên vai cô càng “ cong xuống và rền rĩ”. Tâm không muốn mang tội nợ với bất cứ người thân nào của mình cho nên cô đã chọn cách quên đi bản thể, hy sinh đi lợi ích của riêng mình, sống vì người khác chứ không sống cho mình. Con đường đi chợ của Tâm mỗi ngày dài thêm, chợ này bán ít thì cô lại sang chợ khác, cứ thế mà dài ra mãi, gánh hàng xén đong đưa theo nhịp chân đi và đôi vai gầy càng thêm còm cõi. Ngày qua ngày tần tảo hôm sớm, ra đi khi trời còn sương muối xót và lạnh, ra về lúc trời chập tối gió bấc và mưa phùn hiu hắt, cuộc đời Tâm cứ thế trôi đi thầm lặng. Cô Tâm xinh đẹp dễ thương ngày xưa nay trở thành một người đàn bà đứng tuổi. Nghĩ đến Liên, người bạn ngày xưa hay đi chợ cũng cô đã có một cuộc sống sung túc giàu sang, Tâm cũng khẽ chạnh lòng và thở dài “ bây giờ các chị em cũ không còn ai ở lại để cùng sẻ chia những nỗi khó nhọc với nàng”. Đây là lần đầu tiên Tâm nghĩ cho mình, thoáng chút băn khoăn, than thở cho số phận, nhưng rồi giây phút riêng tư ấy cũng nhanh chóng trôi đi bởi còn cha mẹ, các em rồi còn chồng con đang trông chờ ở Tâm, ở gánh hàng xen vụn vặt mà nuôi sống được bao nhiêu con người. Đức hy sinh đối với Tâm tưởng như một bản năng hình thành từ trong máu thịt và chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên của cuộc sống bởi vì “ có đâu chỉ một mình cô: trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó, và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con , nuôi các em”. Ai cũng nghĩ như thế cho nên không riêng gì Tâm, những người phụ nữ Việt Nam đều coi đức hy sinh là một phần của cuộc đời họ, bởi thế ca dao ngày xưa đã hát:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Câu ca dao ấy không chỉ là giai điệu thiết tha mênh mông ru con trẻ khôn lớn, ở đó dường như ta còn nghe được tiếng thở dài, lời chiêm nghiệm và cả tiên nghiệm cho số kiếp phụ nữ trong mọi thời đại. Đi khắp mọi nẻo đường đất Việt , ở đâu ta cũng đều bắt gặp những hình bóng những người như Tâm, tảo tần, lam lũ sớm hôm, hy sinh tuổi thanh xuân để đổi lấy một cuộc đời “ buồn dài vui ngắn” và chỉ biết “dấu nụ cười vào vầng trăng xa xôi”. Có lẽ khi miêu tả về Tâm, Thạch Lam chắc chắn có vấn vương hình ảnh người chị Nguyễn Thị Thế đảm đang, tháo vát của mình. Hình ảnh Tâm với đức hy sinh không biết mệt mỏi chính là hình ảnh của các bà , các mẹ, các chị- những người phụ nữ Việt Nam. Qua nhân vật Tâm, Thạch Lam bày tỏ thái độ trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn cao quý, trong sáng vô ngần của người phụ nữ Việt Nam.
Trong lời tựa của tập “ Gió đầu mùa”, Thạch Lam đã tâm sự rằng:
"Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới đầy giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn... " Lời phát biểu ấy ta tưởng như đã trở thành hoa tiêu để cánh buồm văn chương giương cao trong sóng nước. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, Thạch Lam luôn vì lý tưởng ấy mà miệt mài sáng tác. Văn chương là để “ tố cáo và thay đổi một cái thế giới đầy giả dối và tàn ác”, nếu đem so sánh Thạch Lam với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, chắc hẳn sức tố cáo , đả kích xã hội của ông không sắc nhọn và mạnh mẽ bằng, thế nhưng để “làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” thì những đoản thiên tế vi dịu nhẹ của Thạch Lam phải là hàng đầu. Quả thật, rời khỏi những bộn bề xáo trộn của cuộc đời, bước vào thế giới của Thạch Lam, ta sẽ như bước vào một thế giới khác hẳn. Cô hàng xén cũng có cái lo lắng toan tính vật chất, cũng có cái bi kịch không lối thoát của con người thời đại nhưng ta lại không cảm thấy ngột ngạt ức chế như khi đọc những tác phẩm hiện thực phê phán. Có lẽ bởi vì nhân vật trong văn Thạch Lam dễ thương lắm, ngọt ngào lắm. Cô Tâm gánh hàng đi chợ suốt một ngày dài đằng đẵng nhưng cô vẫn có thể gác đi nỗi vất vả để lắng tiếng xao xác giẫm lên lá khô, ngửi mùi bèo dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt, hoặc ngay trong chính buổi chợ ồn ào, Tâm vẫn đủ thư thái để cảm nhận “ không khí giá và trong buổi sáng làm hồng da dẻ và khiến máu chảy mạnh”, những chi tiết tưởng như thừa thãi ấy lại là thứ làm nên đặc điểm văn phong của Thạch Lam. Mùi hương, màu sắc, khí vị của làng quê bình yên và trong trẻo, lại được cảm nhận qua nhân vật chính đã phần nào giảm đi cái khắc nghiệt của cuộc sống, mang vào cho trang văn chất thơ man mác, dìu dịu. Cái chất thơ bay bổng ấy, cái tâm hồn tinh tế ấy cứ tác động lên độc giả chầm chậm nhưng lâu tan như hương hoa nhài thoang thoảng, để rồi có những lúc ta cảm thấy tâm hồn mình hoàn toàn thư thái cùng với khung cảnh thôn quê mộc mạc, gần gũi. Và quan trọng hơn, từ những chi tiết ấy, ta cảm nhận rằng, Thạch Lam đã không để nhân vật của mình bị tha hóa, có thể nghèo đói, nhưng trong cảnh khốn khó, bùn đen, con người vẫn còn giữ lại được những cảm xúc tinh tế đủ để tâm hồn không bị chai sạn, đủ để biết rung cảm và trân trọng những cái đẹp tồn tại xung quanh con người. Phải chăng đây chính là thứ “bụi quý” của con người mà chỉ có Thạch Lam mới nhìn thấy, và phải chăng vì đặc điểm này mà nhân đạo trong văn của Thạch Lam lại có nét gì độc đáo và có sức hút như thế.
Sê khốp – phát biểu “ một nhà văn chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”, có lẽ cái thiên bẩm của Thạch Lam chính là “ nhân đạo từ trong cốt tủy” ấy. Văn phong Thạch Lam được coi là “ ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc, chuyển đoạn bằng hình ảnh” ( Thụy Khê) và dẫn dắt người đọc không phải bằng tình tiết mà bằng “ hành trình cảm giác”, bởi vì thế nhân đạo trong tác phẩm của ông cũng có gì đó khác biệt với những nhà văn khác. Ông dành nhiều tình cảm cho tầng lớp bình dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em- những kiếp người bé nhỏ, yếu đuối trong xã hội. Thạch Lam tỏ ra hết sức nhạy cảm trong việc nắm bắt hồn người, ông đặt mình vào những cuộc đời, thấu hiểu và cảm thông sâu sắc đến những nỗi bất hạnh, ngang trái trong cuộc đời đó. Từ thấu hiểu và đồng cảm, nhà văn khám phá ra những vẻ đẹp tâm hồn cao quý trong nhân vật, để nâng niu, ca ngợi bằng một lòng ngưỡng mộ chân thành. Và cái đẹp thanh cao - đó chính là mục đích văn chương của Thạch Lam, nó cũng là điểm thể hiện lòng nhân đạo sâu sắc nhất ở nhà văn này. Phải yêu, trân trọng và tin tưởng con người như yêu chính bản thân mình thì Thạch Lam mới có thể nhìn thấy đằng sau gương mặt tất bật lo toan chuyện cơm áo gạo tiền ấy những phẩm chất tính cách cao quý giống như sen trong đầm dù dính bùn lầy nhưng mang thanh tao, thơm ngát từ trong cốt cách.
Giống như nước rồi sẽ bay hơi và muối kết tinh ở lại, những tác phẩm có giá trị đích thực thì mãi mãi ở lại cũng lòng yêu mến của độc giả. “Cô hàng xén” của Thạch Lam ghi lại trong lịch sử một hình ảnh đẹp đẽ về người phụ nữ Việt Nam, về văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ngày nay đọc lại Cô hàng xén, ta mãi mãi không quên một kí ức buồn diệu với về những người:
Cần cù nuôi mẹ nuôi em
Nhưng cô hàng xén tên xinh
Đẹp như ca dao nước Việt
( Quang Dũng)

2 nhận xét: