Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chí Phèo-Nam Cao

Kết cấu vòng tròn trong tác phẩm
Chí Phèo-Nam Cao
Với nhà văn Nam Cao, quan niệm “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” giống như một ngọn đèn dẫn ông đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, sau mười lăm năm miệt mài cầm bút Nam Cao đã để lại cho nền văn học nước nhà những tác phẩm có sức sống và giá trị bền lâu, tiêu biểu nhất chính là truyện “Chí Phèo”. Tác phẩm ấy là sự kết hợp khéo léo, tinh tế các đặc sắc nghệ thuật trong văn phong Nam Cao, từ cốt truyện, ngôn ngữ, kết cấu, nhân vật cho đến giọng điệu, điểm nhìn trần thuật… Về phương diện cấu tứ , Chí Phèo là một tác phẩm đa kết cấu, từ kết cấu lắp ghép, kết cấu vòng tròn cho đến kết cấu tâm lý đều được nhà văn sử dụng để xây dựng tác phẩm. Nếu như kết cấu tâm lý thể hiện tài năng thâm nhập vào những ngõ ngách sâu kín của tâm hồn con người thì ở kết cấu vòng trong Nam Cao cũng tỏ ra sắc sảo không kém trong việc nắm bắt những quy luật của xã hội.
Kết cấu vòng tròn là một kiểu cấu trúc tác phẩm quen thuộc trong văn đàn thế giới cũng như trong nước, nó tạo nên sự tương xứng đầu cuối cho tác phẩm. Trong Chí Phèo, có hai mạch vòng đáng chú ý đó là sự kiện Chí Phèo uống rượu đến làm loạn ở nhà Bá Kiến và hình ảnh cái lò gạch cũ. Hai mạch vòng ấy khởi điểm là mở đầu câu chuyện và rồi lại gặp gỡ nhau ở điểm kết thúc.
Với mạch vòng thứ nhất, ta thấy phần mở đầu tác phẩm có cảnh Chí Phèo uống rượu suốt một ngày, hắn cố tình say với mục đích đến nhà Bá Kiến ăn vạ, lần đó hắn được tiếp đãi ân cần và còn được Bá Kiến cho tiền chữa vết thương. Phần kết thúc, sau bao nhiêu sự kiện ta lại thấy Chí Phèo uống rượu. Hắn lại cố tình say để đến nhà Thị Nở trả thù, nhưng cuối cùng lại rẽ vào nhà Bá Kiến giết người. Trong hình thức của hai sự kiện về cơ bản có những điểm tương đồng đã tạo nên một mạch vòng cho tác phẩm, khiến cho câu chuyện có sự tương xứng giữa mở đầu và kết thúc.
Cuộc rượu đầu tiên, có thể coi Chí tỉnh táo bởi vì mục đích “ ăn vạ” của hắn đã thành công. Sự say ấy chẳng qua chỉ là một chiến lược trong mưu tính của hắn. Nhưng xét cho cùng đây là sự tỉnh táo của một thằng cố cùng liều thân, hiểu được lợi thế của từ cái hoàn cảnh khốn nạn của mình, vin vào cái hoàn cảnh đó để đe dọa Bá Kiến, rạch mặt ăn vạ chỉ cốt đòi lấy đồng bạc đi uống rượu. Giá lúc đó ý định của Chí Phèo bị Bá Kiến cự tuyệt, hoặc Chí bị người ta bỏ rơi, nằm lăn lóc với bộ mặt ăn vạ be bét máu thì chắc là Chí đã bớt “ khôn ngoan” và “tỉnh táo”, đằng này hắn lại còn được Bá Kiến tiếp tay, Bá Kiến tỏ thái độ nhún nhường, cho tiền lại còn nhận họ hàng với Chí. Cụ Bá làm như thế chẳng bằng cụ thể hiện mình sợ Chí, và cái sự ăn vạ của Chí là một nước đi hoàn toàn đúng đắn, thông minh. Trong nỗi dương dương tự đắc ấy, Chí đã trượt dần, trượt dài trên con đường tha hóa nhân cách mà hắn cứ lầm tưởng là vinh quang lắm. Như thế thì cuộc rượu ấy, cơn say cố ý ấy và sự tỉnh táo ấy, cuối cùng lại là kết quả của một cơn say thực sự, một cơn say thảm hại nhất kéo Chí Phèo rơi vào cõi u mê, biến mình thành công cụ để Bá Kiến lợi dụng đi đàn áp, ức hiếp dân chúng và dằn mặt các phe cánh trong làng Vũ Đại . Sau cơn say có chủ đích ấy, cái Chí nhận được là ơn huệ có giá một đồng bạc, nhưng cái Chí để mất đi thì bao nhiêu đồng bạc cũng không chuộc về được: đó chính là cuộc đời lương thiện.
Đi từ cơn say này đến cơn say khác, cuộc đời Chí là một chuỗi triền miên trong thế giới của ma men. Rồi Thị Nở xuất hiện, người đàn bà xấu xí ấy đã gieo lại trong Chí cái mầm sống trên mảnh đất tưởng đã khô cằn và đầy sự chết chóc. Năm ngày ở với Thị Nở, năm ngày Chí được biết đến sự che chở, tình thương và hi vọng. Chí đã thoát khỏi cơn say đề trở lại thực tại, khi tỉnh rượu Chí cũng như một người bình thường, muốn được yêu thương và ao ước một cuộc sống giản dị, hạnh phúc. “ hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại có một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.”. Chí quay đầu nhìn lại chặng đường dài dằng dặc mình đã đi qua, rồi nhìn vào thực tại, ngẫm nghĩ về chặng đường sắp tới và hắn nhận ra mình vẫn còn muốn sống- sống đúng nghĩa như một con người chân chính. “ hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”.
Đoạn kết câu chuyện Chí Phèo bị Thị Nở bỏ rơi, cây cầu đưa Chí trở lại cõi người đã bị đánh sập một cách tàn nhẫn. Cái lốt quỷ đeo đẳng bao nhiêu năm nay mãi mãi Chí không thể nào trút bỏ được. Trong cơn bàng hoàng tuyệt vọng ấy, Chí nảy ra ý định trả thù. Một lần nữa, sau giờ phút tỉnh táo hiếm hoi để yêu, Chí lại tìm đến rượu lấy dũng khí đi làm cái việc tày đình là “ đâm chết cái con khọm già nhà nó”. Mục đích uống rượu cho thật say của Chí là đến nhà Thị Nở trả thù hai mụ đàn bà xấu xa, nhưng đôi chân lại đưa Chí đến nhà Bá Kiến. Nam Cao giải thích hành động đó là vì “ Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc đi chúng định làm”. Nói như thế tức là lúc này Chí hoàn toàn say, hắn đã không làm chủ được mình và cứ thế hắn đi trong vô thức. Mở đầu là một cuộc rượu, kết thúc lại trở về với cuộc rượu, tương ứng với hai cuộc rượu bét nhè ấy chính là cuộc náo loạn ở nhà Bá Kiến. Khác một điều là trong lần đầu Chí đã có toan tính còn lần này, hắn hoàn toàn không sắp đặt gì, đôi chân cứ thế mà lê lết đến cửa nhà cụ Bá một cách vô tình.
Đi suốt chặng hành trình dài cùng nhân vật, kết thúc truyện ta lại thấy mình đã quay trở lại xuất phát điếm ban đầu, ta lại thấy cũng dáng đi khật khưỡng của Chí Phèo, cũng điệu bộ ngon ngọt giả dối của Bá Kiến và lại cũng là một cuộc ẩu đả om xòm, ầm ĩ làng xóm. Vì lẽ gì mà Nam Cao lại dắt chúng ta đi quẩn quanh như thế? Cái vòng tròn cuộc đời ấy liệu chăng thể hiện sự bế tắc của tác giả? Tất nhiên giả thiết đó dễ dàng bị bác bỏ. Vụ náo loạn diễn ra ở nhà Bá Kiến đầu truyện là khởi điểm cho mọi lỗi lầm và tội ác, chính ở đây Chí Phèo đã đánh mất mình, tâm hồn lương thiện vốn đã nhem nhuốc một phần vì mấy năm đi ở tù nay hoàn toàn bị đốn ngã. Nó đã bị Chí ngu ngơ bán đi với cái giá vô cùng rẻ mạt. Truy nguyên nguồn gốc tội lỗi của Chí Phèo thì Bá Kiến chính là kẻ đã đẩy Chí rơi vào ngõ cụt. Kẻ gian ác ấy đã xô Chí Phèo vào còn đường tù tội, không dừng lại như thế, cái ngày hôm đó, với một đồng bạc trắng và những lời lẽ bùi tai ngọt ngào, Bá Kiến đã mua đứt phần nhân tính của Chí, biến hắn thành kẻ lưu manh, du côn sa lầy trong vũng bùn tội ác. Như thế Chí muốn trở lại con đường lương thiện không còn cách nào khác là phải diệt trừ cái gốc rễ, căn nguyên tội lỗi của mình. Xuất hiện ở nhà Bá Kiến với những lời lẽ hoàn toàn tỉnh táo “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không?”, Chí đã chứng minh rằng hắn không say mà ngược lại đây là lần hắn tỉnh nhất từ trước đến giờ. Thị Nở và “ khọm già nhà nó” là những kẻ tuyệt tình, ngăn cản hắn quay trở lại cuộc đời lương thiện, nhưng trả thù Thị Nở và bà cô mới chỉ thỏa cái nỗi tức giận nhất thời chứ không giải quyết được sự bế tắc tuyệt vọng của hắn. Trong tiềm thức của Chí Phèo, Bá Kiến mới là kẻ thù thực sự, giết chết Bá Kiến tức là diệt trừ đi cái mầm mống tội ác, trả thù được món nợ không được làm người lương thiện của Chí. Kết cấu mạch vòng với địa điểm khởi đầu và kết thúc trùng khít, lại có sự tương đồng về sự kiện cùng cách xử sự của hai nhân vật đã tạo nên sự tương xứng đầu cuối. Tuy nhiên nó không làm mạch truyện bị trì trệ bởi vì từ điểm khởi đầu cho đến khi kết thúc, cơn say lần cuối truyện khác hoàn toàn với cơn say đầu truyện và tính cách nhân vật cũng đã biến chuyển mạnh mẽ. Từ chỗ là một kẻ cố cùng liều thân, u mê, dị dạng nhân hình và nhân tính, Chí đã bừng ngộ và nhận ra sự thảm hại của mình, hắn muốn sống lương thiện nhưng định kiến xã hội đã dìm cái khát khao ấy xuống sâu, để giữ lại phần nhân tính vừa mới thức dậy được sống Chí đã chọn cái chết, sau khi đâm chết Bá Kiến, Chí cũng tự kết thúc cái vòng đời luẩn quẩn của hắn. Như vậy qua kết cấu vòng tròn, một cuộc đời con người như trải ra trước mắt ta, cuộc đời ấy quẩn quanh trong men say nhưng đến giây phút cuối cùng thì mới tỉnh lại, và chỉ có thể đặt trong sự tương đồng về hình thức sự kiện, so sánh cách giải quyết cuả nhân vật, chúng ta mới thấy rõ sự bừng ngộ của nhân vật.
Kết cấu vòng tròn của tác phẩm còn được tạo nên từ một hình ảnh vừa mang tính lặp lại vừa có ý nghĩa biểu tượng đó là hình ảnh cái lõ gạch cũ. Khởi đầu thực sự của câu chuyện Chí Phèo là hình ảnh biểu tượng chiếc lò gạch cũ và kết thúc cũng bằng hình ảnh – biểu tượng đó, hiện thoáng trong tâm trí Thị Nở.
Khi Chí Phèo sinh ra, tiếng ru đầu tiên không phải là lời ru của mẹ mà là tiếng giun dế kêu ri rích ngoài trời, bàn tay ấp ủ hắn là bàn tay của màn đêm và gió lạnh, cái lò gạch bị bỏ hoang là cái nôi che chở hắn trong giờ khắc sinh thành. “Cái lò gạch” mở ra một cuộc đời côi cút không cha không mẹ đồng thời là dấu mốc bất hạnh đầu tiên trong cuộc đời đầy nghiệt ngã của Chí Phèo. Kết thúc tác phẩm, cái lò gạch một lần nữa lại xuất hiện trong ánh nhìn xa xăm của Thị Nở “ thị nhìn trộm bà cô rồi nhìn nhanh xuống bụng: - Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào? Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua...”. lúc này cái lò gạch mang về cho ta cảm giác luẩn quẩn, bế tắc, một dự cảm không lành về số phận một con người chưa thành hình hài. Rồi mai đây, khi Thị Nở sinh con, đứa bé ấy sẽ lại nối dài cuộc đời của bố nó, nó sẽ lại trần truồng xám ngắt trong lò gạch cũ, sẽ lớn lên trong nỗi tủi nhục về kiếp mồ côi, rồi bị tha hóa và đi vào vết xe đổ của Chí Phèo ngày trước. Cái lò gạch là một chi tiết giàu sức gợi, nó phản ánh được quy luật của cuộc đời đồng thời thể hiện được chiều sâu tư tưởng của Nam Cao. Nhà văn khẳng định: chừng nào xã hội còn bất công, tàn nhẫn với con người thì chừng ấy còn có những đứa bé được sinh ra trong lò gạch. Thế hệ Bá Kiến và Chí Phèo chết đi lại có Lý Cường và con Chí Phèo tiếp nối, còn kẻ giàu người nghèo, còn sự đàn áp và thống trị thì còn sự đối kháng và thù hằn. Sự xuất hiện hai lần của hình ảnh cái lò gạch đã tạo cho tác phẩm kết cấu đóng. Theo Đỗ Lai Thúy “Tính chất đóng kín là một hằng số nghệ thuật của truyện ngắn này. Nó chẳng những đổ bóng vào không gian và thời gian truyện, hằn dấu trên số phận của nhân vật, mà còn khớp đúng với hoàn cảnh của làng xã Việt Nam, nhất là ở đồng bằng và trung du Bắc bộ trước Cách mạng tháng Tám năm bốn nhăm”. Cái lò gạch cũ không chỉ có ý nghĩa với riêng truyện Chí Phèo mà nó lột tả được bản chất của xã hội đương thời, đồng thời qua đó, Nam Cao đã đưa ra lời tố cáo mạnh mẽ vào xã hội – cái xã hội khinh rẻ con người, hủy hoại nhân tính và bóp ngẹt quyền sống.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng “ nếu tiểu thuyết là một đoạn của dòng đời thì truyện ngắn là một cái mặt cắt của dòng đời”, tuy nhiên trong các truyện ngắn của Nam Cao, nhất là Chí Phèo, ta thấy nó không chỉ là một lát cắt mà phơi bày được cả đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa xa cõi trần. Vì thế có thể nói Chí Phèo là một tác phẩm đậm chất tiểu thuyết và kết cấu vòng tròn là một trong những yếu tố tạo nên tính chất ấy.
Cho đến nay, với chiều sâu tư tưởng những giá trị nghệ thuật đặc sắc, Chí Phèo không chỉ là tác phẩm để đời của Nam Cao mà còn là tài sản quý giá của cả văn học Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét