Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Giá trị đối trong "đăng cao"-Đỗ Phủ

. Phân tích giá trị của đối trong "Đăng cao":

Đối là một thủ pháp quen thuộc của Đường thi, mang đến cho thơ Đường những giá trị biểu cảm rất riêng và độc đáo. Nằm trong thi pháp Đường thi, bài thơ “Đăng cao” của “thi thánh Đỗ Phủ” giúp ta hiểu hơn về những giá trị mà thủ pháp đối mang lại.

“Đăng cao” được coi là “bài thơ số một của thơ thất ngôn Đỗ Phủ”. Bài thơ sử dụng triệt để thủ pháp đối. Trong thơ Đường, nghệ thuật đối có 4 biểu hiện: đối về thanh điệu, đối về từ loại, đối cú pháp và đối về ý (đối tương thành và đối tương phản). “ Đăng cao” không chỉ sử dụng triệt để thủ pháp đối trong các liên thơ với những quy định chặt chẽ mà còn được sử dụng ở cả những liên thơ không yêu cầu đối ( liên 1 và liên 4)
"Đăng cao" có gốc rễ từ một trái tim yêu ghét nồng cháy của Đỗ Phủ. Bài thơ là tâm trạng, cảm xúc khi “lên cao”. Hai câu đề mở ra một không gian rộng lớn, mênh mông:

“Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi”
(Gió thổi gấp, trời cao, vượn kêu rầu rĩ
Bến nước trong, cát trắng, chim bay về)

Trong luật thi, hai câu đề không yêu cầu đối về thanh điệu nhưng bài thơ có sử dụng thủ pháp đối về thanh điệu: “cấp” – “cao” – “khiếu” (trắc - bằng - trắc);“thanh” – “bạch” – “phi” (bằng - trắc - bằng). Với lối đối tương thành, tác giả đã tạo ra liền một mạch 6 cảnh chụp nhuộm đậm cả khung cảnh của miền sông thu, lạnh lẽo và nhỏ bé cô đơn. Hai câu thơ có sự đối lập giữa động (gió thổi gấp) và tĩnh (bến nước trong), giữa cao (trời) và thấp (cát). Thủ pháp đối về từ loại cũng được sử dụng: danh từ- danh từ (phong-chử, thiên-sa, viên-điểu), động từ- động từ (khiếu-phi). Hai câu thơ tạo sự tương hỗ về ý, câu trên tả cảnh trên cao câu dưới tả cảnh dưới thấp, câu trên có âm thanh, câu dưới có hình ảnh. Con người đứng ở giữa ngẩng đầu lên ngắm cảnh trên cao, cúi đầu xuống ngắm cảnh bên dưới. Giữa không gian và cảnh vật vắng lặng khiến cho người đọc cảm thấy cảnh rất buồn.Với hai câu đề, Đỗ Phủ đã vẽ lên cả một bức tranh rộng lớn, bao quát cả một vùng trời, một vùng đất với những hình ảnh, âm thanh đầy ấn tượng, và ám ảnh.
Không dừng lại ở đó, cảnh thu được mở rộng tới mức vĩ mô khi tác giả tiếp tục phóng tầm mắt lên cao, ra xa để miêu tả lá rụng, sông dài:

“Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.”
( Vô vàn lá rụng xào xạc,
Dòng sông dài, nước cuồn cuộn chảy dài vô tận)

Câu thơ vẫn sử dụng triệt để thủ pháp đối về thanh điệu (ở liên thơ này là bắt buộc): “biên” – “mộc” – “tiêu” (bằng – trắc – bằng) “biên” – “mộc” – “tiêu” (bằng – trắc – bằng); đối về từ loại: danh từ-danh từ (mộc-giang), từ láy-từ láy (tiêu tiêu-cổn cổn), động từ-động từ (hạ-lai); đối về cú pháp và đối ý. Hai câu thực tập trung làm nổi bật sự chảy trôi của thời gian, sự tàn lụi của cảnh vật. Trước mắt thi nhân là cảnh vô vàn những chiếc lá rụng rơi, là dòng nước cuồn cuồn chảy về tận phía xa chân trời. Hai câu thực đã tả lại cảnh thu buồn, dẫn dắt dòng suy tư từ cảnh đến người, từ những điều thấy nghe đến suy tư thầm kín.
Có thể nói 4 câu thơ đầu, tác giả đã phác họa những điều nhìn thấy khi “đăng cao” . Giữa câu đề và câu thực xuất hiện thủ pháp đối. Câu 1 và 3 (tả cảnh trên cao) đối với câu 2 và 4 (tả cảnh thấp): câu trên tả cảnh nhìn thấy trên cao, câu dưới tả cảnh nhìn xuống. Nó đặt con người vào trung tâm giữa đất trời mênh mông vô tận, tạo cho ta liên tưởng về một tiểu vũ trụ giữa vũ trụ rộng lớn của đất trời. Trọng điểm ở bốn câu thơ đầu là tả cảnh song trong cảnh đã thoáng lộ tình, tình buồn(qua tiếng vượn rền rĩ, bi ai; qua cảnh lá rơi xào xạc) nhưng thật xao động và dữ dội (qua làn gió thổi gấp, qua cánh chim trở về, qua dòng sông đang cuồn cuộn chảy). Thiên nhiên như mang trong lòng một nỗi buồn lớn. Cảnh tình dựa vào nhau, gắn kết mật thiết với nhau.
Nếu 4 câu thơ đầu nặng cảnh nhẹ tình thì 4 câu thơ sau nặng tình mà nhẹ cảnh. Cái mênh mông của vũ trụ càng tô đậm thêm sự bé nhỏ, mong manh của kiếp người. Lấy cái vô hạn để đối với cái hữu hạn, hai câu luận thấm đẫm một nỗi sầu đứt ruột, nặng nề, triền miên tưởng chừng như chẳng gì có thể cứu vãn nổi:

“Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài”
( Muôn dặm thu buồn, xót thân thường ở nơi đất khách
Trăm năm lắm bệnh, một mình lên đài cao)

Cũng giống như ở hai câu thực, hai câu luận cũng bắt buộc đối về thanh điệu. Đỗ Phủ vẫn sử dụng triệt để thủ pháp đối trong hai câu thơ này. Ở đây có sự đối lập giữa từ chỉ không gian (muôn dặm) đối với từ chỉ thời gian (trăm năm). Tất cả cùng thể hiện một nỗi buồn. Hình ảnh và nhịp điệu thơ thật nặng nề. Các âm, nhất là ba âm cuối, đọc rời làm hiện rõ bóng dáng một ông già buồn, bệnh tật, cô độc, đang mỏi mệt bước lên đài cao. Hiệu lực gợi tả của ngôn từ được đẩy lên mức tối đa nhờ biện pháp song thanh. Cái mênh mông của vũ trụ càng tô đậm thêm sự bé nhỏ, mong manh của kiếp người. Lấy cái vô hạn để đối với cái hữu hạn, hai câu luận thấm đẫm một nỗi sầu đứt ruột, nặng nề, triền miên tưởng chừng như chẳng gì có thể cứu vãn nổi.
Nỗi uất khổ của cuộc đời tiếp tục được biểu hiện ở hai câu kết:

“Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi”
(Gian nan, khổ hận, tóc mai dày thêm ngả màu sương
Thân già ốm yếu, nhiều bệnh vừa phải dừng chén rượu đục)

Dường như những gian nan, khốc hận trong suốt cuộc đời đầy sóng gió của nhà thơ đã kết tụ lại trên mái tóc, làm mái tóc chuyển màu "bạc đi" vì lo nghĩ và khổ hạnh vì sương gió và ưu tư. Bốn câu thơ với thủ pháp đối đã làm nổi bật hình ảnh cô độc, lẻ loi của con người chịu lắm nỗi gian tuân, thống khổ. Lời ít mà ý nhiều, câu thơ cho ta thấy nỗi niềm của tác giả với thời thế và cuộc đời. Như ta biết, bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, tuy loạn An Sử đã chấm dứt 3 năm nhưng trong vùng giặc giã nổi lên tứ tung, xã hội vẫn đầy những hỗn loạn. Tất cả những điều đó đè nặng lên tâm tư của một con người luôn trăn trở. Và “Đăng cao” như một nơi để bày tỏ nỗi lòng đó. Hai câu thơ tổng kết mọi nỗi truân chuyên, cảm hứng u uất, bi tráng của cả một đời người. Con người có hoài bão lí tưởng nhưng suốt đời ôm hận vì lí tưởng không thành, vì thế sự đen bạc, vì cảnh “quốc phá gia vong”.

Phần trên nặng cảnh nhẹ tình, phần dưới nặng tình nhẹ cảnh. “Đăng cao” đối rất chỉnh. Nhà thơ đã sủ dụng triệt để thủ pháp đối (đối về thanh điệu, đối về từ loại, đối cấu trúc ngữ pháp và đối ý), đối cả 4 liên thơ mà vẫn tự nhiên, góp phần biểu đạt tình cảm, tâm trạng của nhà thơ trước cảnh vật và thời thế. Không chỉ vậy, thông qua nghệ thuật đối đầy tài hoa, "chất thép" trong "Đăng cao" một lần nữa lại được khẳng định dù tác giả đang ở trong cảnh ngộ nào đi chăng nữa.

“Đăng Cao” là tác phẩm thời kỳ cuối trong sự nghiệp văn chương của Đỗ Phủ -một cây đại thụ tỏa bóng đến ngàn năm trong nền văn học Trung Hoa. Với những giá trị về nội dung và nghệ thuật mà tác giả mang lại, “Đăng Cao” xứng đáng được coi là "quán quân của thơ thất ngôn cổ kim” như một ai đó đã nhận xét và đánh giá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét