Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Thị Nở (Chí Phèo-Nam Cao)

THỊ NỞ - HIỆN THÂN CỦA TRIẾT LÍ CON NGƯỜI, TRIẾT LÍ TÌNH
THƯƠNG TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO
Văn học là nhân học, văn học phải hướng tới con người và vì con người. Thế nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng có cách thể hiện chữ nhân ấy giống nhau. Có người tinh tế nhạy cảm, yêu thương và rung động sẻ chia trước những nỗi đau khổ của con người, có người lại viết thứ văn sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, cái tàn nhẫn của những con người tin vào tài năng của mình, thiên chức của mình. Nam Cao thuộc vào loại thứ hai ấy.Tuy đến với mảnh đất hiện thực muộn mằn nhưng ngòi bút của nhà văn luôn lách vào chỗ da non nhất của lòng người để từ đó bật lên tiếng dây đàn thánh thiện của lương tri...
Thơ ca xưa nay thường ca ngợi cái đẹp, đẹp của cảnh, của thiên nhiên, của trí tuệ, đẹp của người con gái nghiêng nước nghiêng thành mà ít ai chọn nhân vật trong tác phẩm của mình là một người xấu xí, đặc biệt lại là một phụ nữ, thế nhưng Nam Cao thì khác. Trong kiệt tác Chí Phèo của nhà văn ta có thể bắt gặp người đàn bà xấu xí nhất trong văn học, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Ấy thế mà người đàn bà ấy lại là điểm sáng của tác phẩm, đến nỗi người ta cứ nhắc đến Chí Phèo là nhớ ngay đến Thị Nở !
Trước đây đã có nhiều quan điểm cho rằng khi Nam Cao xây dựng nhân vật Thị Nở và nhốt Thị trong cái tam giác: xấu xí, nghèo và ngẩn ngơ là nhà văn đã làm xấu xí, bôi nhọ hình ảnh con người, tuy nhiên sự thật liệu có đúng là như vậy? Người ta tự hỏi sao nhà văn lại tạo ra Thị Nở xấu đến thế, sao không tạo ra một người xấu vừa thôi, thậm chí lành lặn về nhân hình? Các cụ vẫn dạy “trông mặt mà bắt hình dong”, văn học xưa nay cũng vậy: nàng Kiều đã đẹp thì đẹp từ ngoại hình đến tính cách, cô Tấm xinh đẹp thảo hiền, cô Nguyệt của Mảnh trăng cuối rừng thì nhẹ nhàng như một ánh trăng, Nghị Hách, Nghị Lại thì cử chỉ điệu bộ lộ ra mặt kẻ chuyên “cướp ngày”, Từ Hải của Nguyễn Du mới thoáng nhìn đã thấy tướng mạo của một anh hùng “thân hùm hàm én mày ngài”……. Nếu như theo lối viết ấy thì Thị Nở của Nam Cao với“cái mặt thực là một sự mỉa mai của hóa công, nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào thì thật tai hại, nếu hai má nó phinh phính thì thì mặt thị lại còn được hao hao mặt lợn”…. cái mũi của thị “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành”, cái miệng thì “cũng cố to cho không thua kém với cái mũi, những cái răng của thị rất to và lại chìa ra….đã thế thị lại nghèo và dở hơi và là con nhà có mả hủi ….. hẳn thị phải là mụ đàn bà vừa xấu xí vừa nanh nọc và quỷ quyệt nhưng lạ thay nhà văn không đi vào lối ấy mà rẽ sang một hướng khác, ít gặp hơn trong văn học… Trong những câu chuyện cổ tích, cũng có nhiều nhân vật xấu xí nhưng bản chất lương thiện và tốt đẹp, những hoàng tử cóc, những Sọ Dừa cuối cùng vẫn thoát xác trở thành người xinh đẹp những Thị Nở thì khác từ đầu đến cuối Thị Nở vẫn xấu xí nhưng tâm hồn Thị luôn đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện rất người.
Thị xuất hiện trong tác phẩm trong một khung cảnh lãng mạng và hứng tình: “Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tầu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy ánh trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giãy lên đành đạch như là hứng tình”. Khi Chí mới uống rượu say quên trời quên đất ở nhà Tự Lãng về, nóng nực bứt rứt không muốn vào ngủ nên hắn đi ra vườn và Chí ngây ra nhìn người đàn bà ngồi tênh hênh trong vườn của hắn. Bình thường Thị Nở đã xấu xí, thế mà đêm nay, trong vườn chuối của Chí Phèo “hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm của mụ há hốc lên trăng mà ngủ, hay là chết, chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệnh…” thị đã xấu lại vô duyên, thế mà Chí thấy thị phơi ra trăng, rười rượi những trăng, trăng làm đẹp lên… và hắn thấy “có cái gì rộn rạo khắp người”, bỗng nhiên hắn run run…. Hóa ra Thị Nở đi lấy nước đến đây thì thấy mát quá, thị buồn ngủ rồi cởi áo ngủ luôn, mà thị ngủ ngon lành và say sưa. Người xấu xí ngẩn ngơ như thị thì chẳng biết sợ, thị ngồi không kín đáo, nhưng chẳng bao giờ thị biết thế nào là lả lơi. Còn Chí, một kẻ chỉ say rượu, say đời chứ không đần độn, cái phần bản năng người bất ngờ trỗi dậy khi nhìn thấy thị, và Chí bám lấy thị.
Thị Nở bình thường ngơ ngẩn là vậy nhưng thị cũng biết dậm dọa, cũng biết kêu làng, thị vùng vẫy vật nhau với hắn và hổn hển “Ô hay…..Buông ra…..Tôi kêu….Tôi kêu làng….Buông ra…..Tôi kêu làng lên bây giờ” rồi thị lại bật cười thị đập tay lên lưng hắn, nhưng đó là cái đập yêu, “vì đập xong, cái tay ấy lại dúi lưng hắn xuống. Và chúng cười với nhau”. Thị và Chí ăn nằm với nhau trong đêm trăng ấy, trăng vẫn thức, vẫn trong trẻo và sông vẫn gợn sóng vàng......
Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đẫm quá trăng sao lại nhòa
Người ta mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh
(Nỗi niềm Thị Nở-Quang Huy)
Cái cuộc ăn nằm ấy làm thức dậy bản năng rất Người của cả hai con người khốn cùng xấu xí ấy. Không phải ngẫu nhiên Nam Cao miêu tả mối tình của Thị Nở chi tiết đến vậy dù nó chỉ diễn ra vẻn vẹn trong năm ngày. Với cuộc tình ấy, Chí thay đổi, Thị Nở cũng thay đổi. Nếu từ trong hình hài quỷ dữ của Chí thức tỉnh bản năng người, Chí dừng lại trước bờ vực xuống vương quốc quỷ dữ để quay về, thì Thị Nở, từ một người xấu xí, ngẩn ngơ đã trở nên có duyên và thông minh. Ít nhất thì Chí thấy thị có duyên, “tình yêu làm cho người ta có duyên”. Trong đêm, người đàn bà ngẩn ngơ như người đần trong cổ tích ấy trằn trọc, suy nghĩ. Thị nghĩ rằng “cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, có gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Giá thử đêm qua không có thị thì hắn chết. Thị kiêu ngạo vì đã cứu sống một người” . Trong hình hài xấu xí ma chê quỷ hờn của Thị Nở nảy mầm hạt giống người, bản năng người rất đẹp. Thị có những thứ mà cả làng Vũ Đại này không ai có, ấy là tình thương người, bản năng người rất thật. Một người đàn bà xấu xí như Thị Nở hẳn chưa từng biết yêu thương và được nhận yêu thương. Thế nên thị vừa kiêu ngạo vì cứu sống một người vừa có cái tâm thế của một người chịu ơn. Nhờ Chí, thị được hưởng cái hạnh phúc rất đỗi đàn bà, hai người “ăn nằm với nhau như vợ chồng, hai tiếng vợ chồng ngường ngượng mà thinh thích”. Thị chịu ơn Chí là phải lắm, cả hai con người ấy chịu ơn nhau... Trong khi cả làng Vũ Đại xa lánh Chí thì Thị Nở lại bảo “khi say hắn rất hiền”, “những người trông coi vườn bách thú thường bảo hổ báo hiền y như mèo”. Nếu Bá Kiến mang tâm địa của một con hổ biết cười thì Chí ngược lại mang hình hài của một con hổ dữ nhưng lại có tâm hồn hiền dịu y như một con mèo. Duy nhất có Thị Nở nhìn ra điều ấy. Và thị thấy mình yêu Chí. Bởi thế thị trằn trọc, thị nghĩ mãi và thấy “chao ôi sao hắn hiền”… Thị Nở với tâm hồn của một kẻ cô độc đã hiểu, sẻ chia và cảm thông với Chí “có gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”. Thị nấu cháo cho Chí, bát cháo của ân tình và lòng nhân hậu yêu thương. Cái đẹp nhất của con người toát ra từ trái tim nhân hậu giấu dưới hình hình của một kẻ ngu ngơ, một người như người đần trong cổ tích.
Cháo hành vốn là thứ cháo xoàng xĩnh, bình thường lại được nấu bởi bàn tay Thị Nở thì không biết có ngon lành gì hay không? Nhưng mà chỉ mình Chí thấy ngon là đủ “hắn cầm lấy bát cháo hành đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới ngon làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngon”. Bát cháo hành của Thị Nở khiến Chí nhớ đến “bà ba”, con quỷ cái hay gọi Chí lên bóp chân, mà cứ muốn bóp cao lên trên, lên nữa..... Nam Cao cho hai người đàn bà xuất hiện trong cuộc đời Chí, đó là bà ba nhà Bá Kiến, một người hẳn xinh đẹp vào hạng nhất làng Vũ Đại và Thị Nở người đàn bà xấu xí bậc nhất làng ấy, một người mang hình hài đẹp nhưng có tâm hồn của một con quỷ và Thị, một người có hình hài ma quỷ nhưng có một tâm hồn người - và Chí chỉ nhận được duy nhất hơi ấm tình người từ Thị. Duy nhất có Thị Nở đối xử với Chí như một con người. “Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi. Chúng cũng nhận thấy thế và nhất định là lấy nhau” nhưng không phải cái xứng đôi đầy mai mỉa trong “đôi lứa xứng đôi” mà là cái tương xứng trong phần người. Mối tình Thị Nở- Chí Phèo chỉ kéo dài năm ngày nhưng Chí từ say rượu, say đời đến say tình còn Thị cũng được hưởng tình người, tình yêu và sự quan tâm từ Chí. Thế nhưng Thị vẫn dở hơi, đến ngày thứ sáu thì thị nhớ ra rằng thị có một người cô ở đởi, và thì quyết định: “Hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã”.
Dĩ nhiên bà cô không bằng lòng, “bà gào lên như con mẹ dại, bà xỉa xói vào cái mặt con cháu gái ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Bà bảo phắt nó:
• Đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo !
Thị Nở nếu bình thường là người ngơ ngẩn thì chẳng nói làm gì, người đần không biết bực tức, thế nhưng thị yêu Chí, tình yêu làm thị thông minh lên. Thị tức lắm, thị muốn cãi nhau với bà cô mà không cãi được, thị “giận dữ nổi lên đùng đùng”. Và thị muốn đổ cái tức ấy lên Chí. Thị cong cái môi vĩ đại lên trút vào Chí những lời của bà cô, trút giận xong rồi thì thị hả hê lắm, thị định đi về nhưng Chí chỉ là thằng say chứ chưa bao giờ dở hơi. Chí hiểu ra sự thật và muốn níu giữ thị nhưng trời ơi ! “ai mà thèm lại, còn muốn lôi thôi cái gì”......thị gạt ra lại giúi thêm cho một cái”....
Chí Phèo đang mong ngóng làm hòa với mọi người, mong trở về làm người lương thiện. hắn hi vọng Thị Nở sẽ là cầu nối để quay về với thế giới người. Chí đang tưởng Thị Nở đưa tay ra gọi hắn thì nay Thị bỗng “trở mặt”, Thị đi rồi làm sao Chí quay về được,thị đi rồi nghĩa là Chí phải chết. Chí muốn trả thù, Chí uống rượu để đi trả thù. Nhưng lần này khác hẳn, mọi lần chí say rượu còn giờ đây càng uống Chí càng tỉnh, mà tỉnh ra thì Chí buồn, Chí ngửi thấy hơi cháo hành, bát cháo hành đầy tình yêu thương nhân hậu của Thị Nở. Hơi cháo hành mong manh như hạnh phúc trước mặt mà Chí không sao với tay ra nắm giữ được. Và hắn “ôm mặt khóc rưng rức”....
Nam cao rất coi trọng nước mắt của con người, quỷ dữ không biết khóc, chỉ có con người mới có nước mắt. Còn nước mắt là còn lương thiện, còn là con người theo đúng nghĩa chân chính nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Thị Nở đã can dự sâu sắc vào cuộc đời Chí, đánh thức phần người bấy lâu nay ngủ yên trong tâm hồn Chí. Thị đem quyền lực của thiên tạo gõ vào hình hài con quỷ dữ đen tối đầy bất trắc ấy, thổi vào đời Chí hơi ấm của tình người và kéo Chí ra khỏi cõi mê man rồ dại. Thị Nở thoát khỏi vỏ bọc xấu xí và tỏa sáng vẻ đẹp của nhân cách con người. Nam Cao đưa ra một quan niệm ngược lại với quan niệm truyền thống, ông coi mỗi con người như một tảng băng : một phần nổi, bảy phần chìm như trong triết lí của Hemingue, đừng nhìn vào hình hài bên ngoài để đánh giá con con người mà hãy quan sát, hãy dùng tâm hồn mình để cảm nhận tâm hồn của người khác.
Chí đâm Bá Kiến rồi cũng chết, “giãy đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi”. Cả làng Vũ Đại nhao cả lên, hầu hết cái làng ấy đều mừng, thậm chí có kẻ còn mừng ra mặt, vui sướng và hả hê “trời có mắt đấy anh em ạ”, “thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc”. Duy chỉ có Thị Nở trong sự hồi tưởng là xót thương cho Chí bởi “sao có lúc nó hiền như đất”. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, Thị Nở là người ban cho Chí chút tình người cuối cùng khi Chí chết.
Kiệt tác Chí Phèo kết thúc bằng cái cảnh “Thị cười và nói lảng:
• Hôm qua làm biên bản, Lí Cường nghe đâu tốn gần một trăm. Thiệt người lại tốn của....
Thị nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn, thị phải nhìn trộm bà cô rồi nhìn nhanh xuống bụng.... đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ hoang, xa nhà cửa và vắng người qua lại...
Cái cười và nói lảng, hành động nhìn trộm bà cô rồi nhìn nhanh xuống bụng của Thị không thể là hành động của một người “đần như người đần trong cổ tích” trái lại là hành động của một người đàn bà quá đỗi thông minh. Thị cười và nói lảng để tránh những câu chửi mắng của bà cô. Ai bảo thị đần, ngu ngơ? người đần đâu có biết kể “Hôm qua làm biên bản, Lí Cường nghe đâu tốn gần một trăm. Thiệt người lại tốn của.”.... Thị Nở còn nhìn nhanh xuống bụng và nghĩ ngay đến cái lò gạch bỏ hoang.... Thị đang nghĩ đến sự ra đời của một thằng Chí Phèo con, đó là suy nghĩ của một người đàn bà “nhìn xa” và biết tính toán.
Thị Nở xuất hiện trong tác phẩm vỏn vẹn có vài trang giấy và xấu, rất xấu. Nhưng có thể nói Thị càng xấu tác phẩm lại càng đẹp bởi Thị Nở là hiện thân của triết lí con người, triết lí tình yêu thương của Nam Cao. Vẻ đẹp của con người không bao giờ bị hủy diệt, nó vẫn sống, tồn tại và phập phồng hơi thở ngay cả trong vỏ bọc xấu xí nhất, trong thị và trong Chí. Hình hài con người có thể bị tàn phá nhưng linh hồn người mãi mãi vẫn sáng ngời vượt qua mọi định luật của sự băng hoại. Đúng như nhà văn Ai-ma-top đã viết “nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác, cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. Nam Cao bằng ngòi bút thiên tài của mình đã viết nên những trang tuyệt bút về tình yêu thương, lòng trắc ẩn của con người, nhắc nhở người đọc hôm nay hãy giữ lấy một Thị Nở trong mình để còn biết yêu thương.....
“Trên nền đất ẩm chiếu manh trang giấy trắng
Anh khai sinh bao nhân vật cho đời
Nên anh chết như chuyến đi dài hạn
Bởi họ sống thay anh giữa cuộc đời”
..................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét