Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Một nơi sạch sẽ và sáng sủa

“Chúng ta thuộc hai loại người khác nhau”
(Lời anh bồi già trong truyện ngắn
“một nơi sạch sẽ và sáng sủa”- Hemingue)

Nổi tiếng với lí thuyết “tảng băng trôi” và những đổi mới về tiểu thuyết, Hemigue đến với bạn đọc bởi một cách viết độc đáo và đầy sáng tạo. Nhà văn luôn khiến mỗi độc giả khi gấp trang sách lại vẫn không thôi nghĩ về nhân vật và ý nghĩa từng trang viết bởi mỗi tác phẩm của ông là một “mạch ngầm văn bản”. Ngắn gọn và hàm súc, truyện ngắn “một nơi sáng sủa và sạch sẽ” thể hiện phong cách cũng như kĩ thuật viết truyện của Hemigue. Tác phẩm không chỉ cho ta thấy những đặc trưng về bút pháp của nhà văn mà còn cho ta thấy thế giới nhân vật của ông. Hình tượng nhân vật hai anh bồi với những đối nghịch và lời tuyên bố “chúng ta là hai loại người khác nhau” để lại trong ta rất nhiều suy ngẫm.

“Một nơi sạch sẽ và sáng sủa”- một truyện ngắn dường như không có cốt truyện, với 3 nhân vật không có tên, những lời đối thoại tưởng như rời rạc nhưng chứa đựng trong đó cả những số phận, những cuộc đời. Họ cùng gặp nhau trong một không gian “sạch sẽ và sáng sủa”-như một biểu tượng của cái mà con người khát khao vươn tới. Nhân vật hai anh bồi làm việc ở đó. Cùng một công việc và sự tiếp xúc thường xuyên khiến ta lầm tưởng hai nhân vật hiểu nhau nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Đọc tác phẩm, bạn đọc chợt nhận ra rằng: ngoài điểm gặp gỡ duy nhất là công việc, còn lại họ là những con người của hai thế giới.
Sự khác biệt ấy không phải đơn giản chỉ là tuổi tác (anh bồi trẻ- anh bồi già), tình trạng hôn nhân (anh bồi trẻ có vợ- anh bồi già độc thân), quan niệm về tuổi già (anh bồi trẻ: “người già là đồ tệ hại”, trong khi đó anh bồi già tỏ thái độ cảm thông bênh vực)…mà quan trọng hơn là bởi một người có niềm tin- một người không có niềm tin. Sự khác biệt của hai con người đó được bộc lộ đậm nét trong cách nhìn nhận và thái độ với ông già, con người của “thế hệ mất mát” đang tìm kiếm “một nơi sạch sẽ và sáng sủa”.
Anh bồi trẻ cảm thấy khó chịu khi phải phục vụ ông già cho tới khuya và thái độ của anh có vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn “tuần trước ông chẳng chết quách đi cho rảnh nợ”, “ tôi muốn ông ta cuốn xéo đi cho rồi. Ông ta phải biết là người khác còn phải làm việc chứ”. Anh chỉ muốn đóng cửa tiệm để nhanh chóng về ngủ. Anh không hiểu ông già, không hiểu vì sao ông già ngồi đó không hẳn vì anh không phải con người cô độc. Anh là con người của thế hệ mới- những con người trưởng thành sau chiến tranh, không phải chứng kiến và chịu đựng những mất mát, những chấn thương về tinh thần mà đế chiến để lại. Sự lạnh lùng tưởng như vô tâm của anh bồi trẻ là bởi anh là con người của thế hệ mới, cuộc sống mới.
Trái ngược với anh bồi trẻ, anh bồi già có một thái độ hoàn toàn khác với ông già. Anh cảm thông với ông già và dường như ở họ có một sự đồng tâm trạng “ông ta cứ ngồi như vậy vì thích thế”. Với anh, việc ngồi uống rượu ở “một nơi sạch sẽ và sáng sủa” (như tiệm cà phê của anh) với việc mua một chai rượu mang về nhà uống “đâu có giống nhau” vì anh hiểu ông già đến đây không phải đơn giản là để uống rượu mà đang tìm “một nơi sạch sẽ và sáng sủa”. Trái với sự vội vã, muốn đóng cửa để đi về nhà của anh bồi trẻ, anh bồi già là người “giống những kẻ thích ngồi muộn nhất trong tiệm cà phê”, “ ngồi lại muộn nhất với những người không muốn về ngủ, với những người cần được thấy ánh sáng trong đêm”. Sự khác biệt ấy “không phải là vấn đề còn trẻ hay không, có niềm tin hay không, mặc dầu đó là những thứ ai cũng quý”. Mỗi đêm anh bồi già “chần chừ vào lúc đóng cửa vì nghĩ rất có thể vẫn còn người nào đó đương cầm một li cà phê”. Bấy nhiêu chi tiết ấy hé lộ con người của thế hệ “mất mát”. Cũng giống như ông già, người bồi già cũng mang tâm trạng và cảm giác khó hòa nhập với cuộc sống thực tại, mang những chấn thương về tinh thần, những ám ảnh không bao giờ dứt về chiến tranh. Họ cảm thấy cuộc đời trống rỗng và hư vô. Nhưng không chỉ có họ mà rất nhiều người khác cũng giống họ, lời nói của chàng tiếp viên quầy rượu mà anh bồi già đến sau khi đóng cửa tiệm là minh chứng: “lại một tên khùng nữa”. “Lại” nghĩa là đã có rất nhiều người cũng như thế nhưng đó là những “tên khùng”. Nó thể hiện sự thiếu cảm thông của những người thuộc thế hệ mới.
Người tiếp viên quầy rượu-anh bồi trẻ, anh bồi già- ông già; một bên là con người của thế hệ mới, một bên là con người của thế hệ “mất mát”, họ không thể hiểu nhau. Và đúng như lời anh bồi già nói “chúng ta thuộc hai loại người khác nhau”. Những con người của thế hệ mới bận rộn với cuộc sống đời thường, họ là rào cản với những người trở về sau chiến tranh, họ không thể đưa những con người cô độc mất mát sau cuộc chiến đi tìm được niềm vui trong cuộc sống mới này, bởi tất cả những gì trong quá khứ giờ đây đã thay đổi theo thời đại mới. Còn những con người của thế hệ “mất mát” mang trong mình cảm giác rống rỗng, hư vô, họ không thể hòa nhập với cuộc sống thực tại.
Anh bồi già sau khi đóng cửa tiệm không trở về nhà ngay mà anh cũng đi tìm “một nơi sạch sẽ và sáng sủa”. Nhân vật anh bồi trẻ mất hút trong trang sách nhưng nhân vật anh bồi già vẫn vẫn con đó với chứng mất ngủ triền miên. Nhà văn không cho độc giả biết tại sao nhưng qua những chi tiết tưởng vụn vặt làm toát lên suy nghĩ, những trăn trở của nhân vật, một nỗi cô đơn và cô độc của những con người không thể hòa nhập với cuộc sống. Đó là những con người đã chai lì, họ từng trải, mang trong mình chủ nghĩa khắc kỉ, ít nói.

“Chúng ta là hai loại người khác nhau”- một lời xác nhận những đối nghịch, những suy nghĩ không thể gặp gỡ của hai con người tượng trưng cho hai thế hệ: một thế hệ “hoàn toàn giữ vững niềm tin”- một thế hệ “chẳng bao giờ có được niềm tin”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét