Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Nhân vật Bá Kiến

Nhân vật Bá Kiến
Là một tác phẩm đa chủ đề, “Chí Phèo” của Nam Cao không chỉ khái quát về hiện tượng lưu manh hóa của một bộ phận người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng, phải bán linh hồn cho quỷ dữ mà còn tạo nên một điển hình về bọn cường hào ác bá tiêu biểu cho giai cấp thống trị trong xã hội Việt Nam. Hình tượng nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm là nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp giai cấp thống trị ở làng Vũ Đại. Tuy không phải là nhân vật trung tâm của tác phẩm nhưng với tính cách và hành động được miêu tả, Bá Kiến cũng để lại trong lòng bạn đọc những “ấn tượng” khó phai mờ.

Văn học hiện thực 30-45 dựng lên rất nhiều tên địa chủ ngự trị sau những lũy tre làng. Đó là Nghi Lại trong “bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan), là Nghị Quế trong “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố). Thế nhưng tiêu biểu và sinh động hơn cả vẫn là Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo” dù so về dung lượng tác phẩm “Chí Phèo” chỉ là một truyện ngắn. Nghị Lại, Nghị Quế, Bá Kiến đều chung bản chất bóc lột người và vun vén làm giàu. Nếu ở Nghị Lại chỉ có tàn bạo và tham lam, Nghị Quế thể hiện một sự ngu dốt trắng trợn trong lời nói và hành động thì Bá Kiến gian hùng và mưu mô. Bá Kiến là một tên địa chủ thủ đoạn xảo quyệt, biết củng cố địa vị thống trị của mình bằng tất cả sự lọc lõi và khôn ngoan của một kẻ hiểu sự đời. Là một nhân vật phản diện nhưng với tính cách ấy, Bá Kiến khiến cho người dân làng Vũ Đại không những sợ cụ Bá mà ở họ “nể cụ Bá cũng có”
“Chí Phèo” là câu chuyện xảy ra ở làng Vũ Đại. Vùng quê ở đó có rất nhiều mối quan hệ phức tạp,chồng chéo: ở đó có những tên địa chủ độc ác đại diện cho tầng lớp thống trị(Bá Kiến, Đội Tảo…); có những tay đâm thuê, chém mướn (Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ); có những người lao động lương thiện, nghèo khổ, tàn tạ theo thời gian và năm tháng( Chí Phèo, cô cháu Thị Nở…). Bá Kiến đại diện cho tầng lớp địa chủ trong làng Vũ Đại. “Cụ” là một trong những kẻ luôn gây ra những mâu thuẫn trong các phe cánh, một tay chuyên “lấy những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò” và là một tên chuyên bóc lột dân lành bằng mánh khóe. Bá Kiến đứng đầu nắm trong tay rất nhiều quyền hành trong cái làng Vũ Đại nhiều mâu thuẫn, bức bối và phức tạp ấy.
Bá Kiến được đặt vào một vị trí trang trọng trong xã hội, khi nhà văn phác họa nên một lai lịch của một kẻ già đời trong nghề bóc lột : gia đình bốn đời làm tổng lý, bản thân Bá Kiến từng là lý trưởng, chánh tổng; cha truyền con nối trong thủ đoạn đè đầu cưỡi cổ người khác. Những kẻ như thế, vẫn được gọi bằng ông, bằng cụ một cách tôn kính. Uy quyền của Bá Kiến không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi của một làng, mà "cụ Bá" là "bá hộ, tiên chỉ, chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu "
Trong tác phẩm có bốn lần Bá Kiến xuất hiện, mỗi lần một vẻ và tất cả đều góp phần bộc lộ bản chất của con người ranh mãnh, khôn ngoan, gian hùng và tàn ác.
Lần thứ nhất Bá Kiến xuất hiện khi Chí Phèo đi ở tù về. Vốn là một người nông dân lương thiện, hiền lành, chăm chỉ, giàu lòng tự trọng nhưng bị Bá Kiến đẩy đi ở tù với một lí do mơ hồ ( có lần tác giả đã hé lộ lí do đó: Bá Kiến muốn tất cả trai làng đi ở tù), Chí Phèo trở về với trạng thái mất hết cả nhân hình lẫn nhân tính. Người ta bắt gặp Chí Phèo uống rượu và việc đầu tiên Chí làm là đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ. Bá Kiến xuất hiện trong một tình thế gay cấn và phức tạp, ồn ào và đầy khủng khiếp: Lí Cường quát tháo ầm ĩ, Chí Phèo kêu gào rạch mặt ăn vạ, dân tình kéo đến xem đông nghịt và điểm vào không gian ồn ào, nhốn nháo ấy là tiếng kêu của mấy con chó làm cho không khí trở nên khủng khiếp, hỗn loạn hơn. Trước tình thế ấy hẳn ai cũng phải bối rối thế nhưng khi Lí Cường phải chịu bất lực, mặt tái đi thì Bá Kiến bĩnh tĩnh “ thoáng nhìn qua, cụ đã hiểu cơ sự rồi” và “ việc như thế này cụ không lạ gì”. Bá Kiến bình tĩnh đến lạ lùng, với “tiếng cười và tiếng quát rất sang”, Bá Kiến bắt tay vào hành động ngay. Thoạt đầu “cụ” đuổi mấy bà vợ đang “xưng xỉa” chực tâng công với mình vào nhà, sau đó quay lại nói dịu giọng với những người dân để họ đi về. Mục đích của Bá Kiến là cô lập Chí Phèo. “Cụ Bá” biết đám đông chính là chất xúc tác để Chí Phèo có thể ăn vạ. Không có đám đông, Chí Phèo có kêu gào thảm thiết cũng là vô ích. Không dừng lại ở đó, để dập tắt ngọn lủa căm thù trong lòng Chí, “cụ” quay sang mắng Lí Cường “Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết…” mắng Lí Cường mà mục đích chính là xoa dịu Chí Phèo. Bá Kiến đã rất hiểu Chí Phèo, hiểu suy nghĩ, hành động cũng như tâm trạng và lòng căm thù của một con người đã bị mình đẩy đến bước đường cùng. Vì thế sau khi quát Lí Cường, Bá Kiến quay sang nói với Chí Phèo bằng một giọng thân tình, ngọt ngào: “Về bao giờ thế? Sao không vào nhà tôi chơi? Đi vào nhà uống nước”, rồi cụ xốc Chí dậy mà phàn nàn “khổ quá, giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy”. Đọc lần đầu, có lẽ bạn đọc đã lầm tưởng “cụ Bá” là người tốt, thậm chí rất tốt với Chí. Thực chất đây chỉ là lời nói của một kẻ “khẩu phật tâm xà”
Lời nói và hành động của “cụ” lập tức có hiệu quả, bằng chứng là “Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao nhưng cũng thấy nguôi nguôi”. Đến đây “cụ bá biết rằng mình đã thắng”.
Ngay lần đầu tiên xuất hiện, Bá Kiến hiện lên là một con người biết kiềm chế, khôn ngoan, nhanh trí, đầy kinh nghiệm, hiểu đời. Có lẽ chính vì đức tính đó mà dân làng Vũ Đại sợ “cụ Bá” nhưng cũng nể “cụ Bá”
Chính vì hiểu đời, hiểu người nên Bá Kiến có thể biến Chí Phèo từ một kẻ đối nghịch thành tay sai của mình. Điều nguy hiểm nhất ở Bá Kiến là tội ác được hắn nâng lên thành nghệ thuật để cai trị kẻ khác “ lấy tên đầu bò để trị những thằng đầu bò”. Đoạn Chí Phèo đến nhà Bá Kiến xin đi ở tù là một minh chứng. Bá Kiến rất nham hiểm khi đẩy Chí Phèo đến nhà Đội Tảo. Vì một trong hai kẻ này chết đều có lợi cho cụ
Chính sách cai trị “mềm nắm rắn buông”, "nắm lấy đứa có tóc", đặc biệt là những thủ đoạn rất nham hiểm :"Hãy vất người ta xuống sông rồi hãy vớt nó lên để cho nó đền ơn, hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi hãy vất trả lại năm hào vì "thuơng anh túng quá"". Chưa một nhà văn nào lại giúp người đọc hình dung ra tội ác đáng sợ đến ghê tởm như Nam Cao. Với tất cả các thủ thuật trị người ấy, Bá Kiến quả là một kẻ "khôn róc đời" và đã phá tan cơ nghiệp của biết bao gia đình, đập nát hạnh phúc của bao nguời.
Không chỉ độc ác, nham hiểm Bá Kiến còn là một kẻ dâm ô và trác táng. Dù đã có 4 người vợ nhưng “cụ Bá” vẫn tìm cách lợi dụng và thông dâm với vợ Binh Chức. Cụ có “đức tính” ghen ghét với tất cả trai trẻ trong làng và cụ chỉ muốn cho tất cả những trai trẻ ấy đi ở tù. Đoạn văn quả có thể làm chúng ta bật cười vì sự ghen tuông của một ông lão đã ngoài sáu mươi, nhưng ta bỗng giật mình vì chứng tích của sự ghen tuông đáng buồn cười ấy bỗng hiện ra : một thằng điên, một thằng say, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, sẵn sàng đâm chém bất cứ ai - ngày xưa nó cũng là một thằng trai trẻ…
Tiếng chửi của Chí Phèo ở đầu tác phẩm, tiếng chửi của một kẻ cô đơn và tuyệt vọng, một linh hồn méo mó và khổ đau là một minh chứng cho tội ác của Bá Kiến. Tác giả tả Bá Kiến sâu sắc bao nhiêu là nói về nỗi khổ đau của người lương thiện bấy nhiêu. Bá Kiến là đại diện tiêu biểu cho giai cấp thống trị ở nông thôn Việt Nam xưa. Con người ấy đứng đầu làng làm cho dân làng không thể sống
Như một quy luật tất yếu “con giun xéo mãi cũng quằn”, kẻ mưu mô, nham hiểm ấy cuối cùng cũng phải lãnh một kết thúc bi thảm. Bá Kiến đã biến một con người lương thiện trở thành một con quỷ dữ thế nhưng hắn không biết rằng tình thương, tấm lòng nhân hậu của con người có thể đưa lương tri đã mất trở về. Gặp Thị Nở, nhận sự chăm sóc của người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” ấy qua bát cháo hành, Chí Phèo thức tỉnh sau những cơn say dài triền miên và vô tận. Lần đầu tiên “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” cảm nhận được những âm thanh bình dị của cuộc sống, nhớ lại ước mơ đẹp đẽ thời trai trẻ và khát vọng trở về làm người lương thiện bùng cháy trong con người đã bị tha hóa, biến dạng. Nam Cao viết: “trời ơi! Hắn thèm lương thiện…”( Người ta chỉ có thể “thèm” cái mà người ta từng có những giờ đã mất) thế nhưng trên con đường trở về với lương tri Chí Phèo đã vấp phải vật cản, vấp phải dư luận của người đời mà bà cô Thị Nở là đại diện. Bị Thị Nở từ chối, Chí Phèo buồn, Chí Phèo tuyệt vọng. Chí đã tìm đến rượu để quên đi tất cả nhưng càng uống lại càng tỉnh. Trong đầu nghĩ: đến nhà con đĩ Nở để đâm chết con khọm già nhà nó nhưng Chí đã tìm đến nhà Bá Kiến. Lần này Bá Kiến đã không hiểu Chí Phèo. “Cụ Bá” vẫn tưởng Chí Phèo đến để xin tiền uống rượu, vẫn tưởng chỉ đưa mấy đồng cho Chí là song. Một kẻ độc ác như Bá Kiến không hiểu một con người như Chí Phèo cần gì. Lần này Chí không cần tiền, không cần một “thước đất cắm dùi” hay một thứ vật chất nào khác mà cái Chí cần là lương thiện. Chí Phèo rút dao đâm chết Bá Kiếnvà giết chết chính mình. Nam Cao viết về bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo sâu sắc bao nhiêu càng thể hiện được tội ác của Bá Kiến. Sống trong một cái làng có những kẻ đứng đầu như vậy người dân thật sự không thể sống
Nam Cao không chỉ sắc sảo khi viết về Chí Phèo mà còn rất tài năng khi viết về Bá Kiến. Nhân vật Bá Kiến hiện lên với tất cả sự sinh động và chân thực. Nhà văn không chỉ cho ta biết về lai lịch nhân vật, miêu tả những chi tiết rất sống (tiếng quát rất sang. Tiếng cười Tào Tháo…), phơi bày những suy nghĩ của nhân vật qua độc thoại nội tâm mà để làm nổi bật tính cách nhân vật, Nam Cao để nhân vật xuất hiện trong những tình huống có vấn đề và vẫn với một giọng “lạnh lùng, tỉnh táo, khách quan” Nam Cao đã tái hiện sinh động hình tượng Bá Kiến với những nét bản chất nhất của tầng lớp thống trị trong xã hội Việt Nam thủa trước. Bá Kiến vừa tiêu biểu cho những loại người có bề dầy trong xã hội, vừa là những cá tính độc đáo và có sức sống mạnh mẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét