Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Lão Hạc-Nam Cao

“ Lão Hạc”-sự hòa trộn của 4 môtip cơ bản trong truyện ngắn Nam Cao


Hầu hết những truyện ngắn của Nam Cao có những chi tiết trở đi trở lại nhiều lần như một ám ảnh: miếng ăn, cái đói, nước mắt, cái chết. “Chúng là những nốt nhấn thê thảm trong chuỗi văn buồn Nam Cao”. Truyện ngắn “lão Hạc” có thể không xuất sắc như “Chí Phèo” nhưng để lại trong lòng bạn đọc nhiều suy ngẫm và trăn trở. Tác phẩm là số phận bi thảm của người nông dân lao động, là bi kịch thảm thương của một người cha hết lòng thương con, sự éo le của một người lương thiện đến thánh thiện và xét đến cùng “lão Hạc” là sự vận động và hòa trộn của 4 môtip cơ bản trong truyện ngắn Nam Cao mà ta đã kể trên

Từ môtip vốn có nguồn gốc từ Pháp, nó chỉ những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định, bền vững, được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học dân gian. Truyện ngắn của Nam Cao-nhà văn hiện thực xuất sắc- cũng sử dụng nhiều chi tiết lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm. Những chi tiết đó mang những giá trị, sức biểu cảm riêng cho văn Nam Cao.
Miếng ăn, cái đói, nước mắt, cái chết không phải chỉ có ở Nam Cao, càng không phải xuất hiện lần đầu tiên trong trang viết của nhà văn “lạnh lùng, tỉnh táo” này nhưng dưới ngòi bút Nam Cao những chi tiết ấy lại có một “số phận” riêng, có những biểu hiện riêng. “Lão Hạc” là câu chuyện về một con người KHỔ nhưng ĐẸP, một nhân cách trong sáng đến thánh thiện, một con người không hề bị bản năng khuất phục. Ở Nam Cao như ai đó đã nhận xét “những gì Nam Cao muốn nói trong 10 năm cầm bút ngắn ngủi đã gần như đủ trong “lão Hạc”- sống mòn, chết thảm, chết thể xác, chết tinh thần, cái đói, miếng ăn, nước mắt”
Trong dòng văn học hiện thực phê phán 30-45 có rất nhiều nhà văn khai thác đề tài về miếng ăn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng…Nếu Ngô Tất Tố khai thác đề tài miếng ăn trên bình diện văn hóa thì Nam Cao khai thác trên bình diện nhân cách con người. Trong sáng tác của Nam Cao, miếng ăn xuất hiện trog hàng loạt tác phẩm: “trẻ con không được ăn thịt chó”, “tư cách mõ”, “nghèo”, “một bữa no”, “nước mắt”…Ở đó, con người ta vì miếng ăn mà đánh đổi cả nhân phẩm và lòng tự trọng. Nhà văn có lần viết: “chừng nào còn phải giật của người từng miếng ăn thì mới có ăn, chừng nào một số người còn giẫm lên đầu người kia để nhô lên thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi và tàn nhẫn” (Sống mòn). Nam Cao quan niệm “miếng ăn là miếng nhục”, miếng ăn là tầm thường và con người ta đôi lúc vì miếng ăn mà nhỏ nhen, ích kỉ. Lão Hạc cũng trăn trở vì miếng ăn nhưng con người cô đơn ấy không vì miếng ăn mà đánh mất chính mình. Với Nam Cao, miếng ăn là thử thách, thủ thách nhân phẩm con người. Lão Hạc cũng đứng trước thử thách đó nhưng khác những nhân vật khác, lão Hạc không thua cuộc. “Lão Hạc quay quắt trong sự ràng buộc nghiệt của đói nghèo và cô quạnh thế mà tâm hồn lão chưa hề bị cắt vụn, thế mà thể xác lão chưa hề là một bản năng”. Sự thất nghiệp trong làng quê vốn nghèo khổ ấy là một tai họa và lão Hạc vì không muốn động vào mảnh vườn của con đã day dứt, trăn trở đi đến quyết định bán con chó-kỉ vật thiêng liêng và quý giá của đứa con trai duy nhất-để rồi khi bán nó đi, người cha rất đỗi thương con đó ăn năn, đau khổ. Trắng tay nhưng lão Hạc không chịu nhận sự giúp đỡ của người khác mà âm thầm gửi lại tất cả tài sản (mà lão đã xóa tên sở hữu của mình) cho đứa con trai, còn mình lặng lẽ chuẩn bị một cái chết. Chết để giữ gìn nhân phẩm. Có thể nói nếu Ngô Tất Tố viết về miếng ăn là để kêu cứu đói thì Nam Cao viết về miếng ăn là để kêu cứu nhân phẩm
Sự trăn trở về miếng ăn xét cho cùng là vì cái đói. Nam Cao viết về cái đói, vì đói mà con người ta có thể trở nên ích kỷ với nhau (vợ của nhân vật “tôi” trong truyện là một ví dụ), nhà văn lí giải “một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”. Lão Hạc “cô đơn” trong hệ thống nhân vật người cha bị tha hóa của Nam Cao. Sự khổ sở vì cái dạ dày luôn đòi hỏi đã khiến người cha trong “trẻ con không được ăn thịt chó”, “trẻ con không biết đói”…trở nên vô tâm, ích kỉ với những đứa con luôn bị ám ảnh bởi cái đói. Lão Hạc không như vậy. Mất mùa, đói kém, thất nghiệp, lão Hạc vốn nghèo khổ lại càng nghèo khổ hơn, thế nhưng người cha ấy vẫn quyết giữ lại trọn vẹn mảnh vườn cho con dù mình phải chết. Bạn đọc ám ảnh bởi cảnh một ông lão: “luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc”. Thật ra lão Hạc chưa trắng tay, lão còn mảnh vườn và đồng bạc nhưng lão lại xóa tên mình ra khỏi sự sở hữu đó. Chứng kiến điều ấy, có người cay nghiệt lão: “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ!” chỉ có nhân vật “tôi” biết được rằng lão Hạc đã trăn trở như thế nào “ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu?”
Cuộc đời lão Hạc là một bi kịch. Đói khổ, nghèo nàn nhưng cái khiến lão day dứt, trăn trở nhất là sự bất lực của một người cha. Không lấy được vợ cho con, lão Hạc buồn. Để con ra đi, lão Hạc khóc. Nam Cao để nhân vật của mình nhiều lần xuất hiện với những giọt nước mắt. Với nhà văn, nước mắt là biểu tượng của tình thương, nước mắt là “giọt châu của loài người”, là “miếng kính biến hình của vũ trụ”. Trong sáng tác, Nam Cao nhiều lần đề cập đến chi tiết nước mắt ở cả hai chủ đề: nông dân và tri tri thức tiểu tư sản. Nhân vật tri thức của Nam Cao có không ít những tật xấu và lỗi lầm, họ thường khóc vì hối hận. Đó là sự giằng xé chảy máu của những tâm hồn trung thực, khát khao lương thiện (đời thừa, trăng sáng…). Lão Hạc không phải một tác phẩm viết về tầng lớp tri thức tiểu tư sản, mặc dù ở đó có xuất hiện nhân vật trí thức( nhân vật “tôi”) . Nhân vật “tôi” cũng nhiều lần rưng rưng về tình cảnh và tấm lòng của lão Hạc. Chi tiết nước mắt xuất hiện nhiều nhất khi viết về nhân vật trung tâm. Đó là những dòng nước mắt khi “rân rấn’, khi “ầng ậc nước” khi khóc thầm, khi òa vỡ. Nước mắt rơi cả khi lão cười: “cười và ho song sọc”, “cười như mếu”. Lão Hạc khóc khi phải xa con, khi “thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta…”. Khóc khi nhớ lại cảnh cha con chia lìa, người con đưa cho mình 3 đồng bạc. Khóc khi “trót lừa một con chó”. Bán con chó, người cha nghèo khổ ấy cố làm ra vui vẻ nhưng cái vui vẻ ấy không giấu nổi nụ cười như mếu và “mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Bản chất của một người lương thiện, tính cách của một người nông dân nghèo khổ mà nhân hậu được bộc lộ đầy đủ trong đoạn văn đầy nước mắt này. Lão Hạc khóc vì cảm thấy mình bất lực, khóc vì ăn năn “mình đã trót lừa một con chó”-kỷ vật thiêng liêng của người con đã đi xa.
Con đi phu, lão Hạc đã chết một nửa; bán cậu Vàng, lão Hạc chết hẳn. Cái chết kết thúc tác phẩm của lão Hạc là một cái chết dữ dội như một con chó dại “ Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết”. Cái chết của lão Hạc thật là dữ dội nhưng dường như cái chết ấy không đè nặng lên tim ta như cái chết của Chí Phèo, Lang Rận, bà cụ trong “một bữa no”… phải chăng bởi cái chết ở đây là cái chết của sự giả thoát? Lão Hạc không chấp nhận cuộc sống theo bản năng, không chấp nhận vì miếng ăn, vì cái đói mà tha hóa. Đó là một con người giàu lòng tự trọng, thà “chết trong còn hơn sống đục”. Kết thúc bi kịch cũng là thật sự chấm dứt những dằn vặt riêng tư của lão Hạc, nhưng để lại bao suy ngẫm về số phận những con người nghèo khổ lương thiện trong xã hội cũ.
¬¬¬
Vẫn sử dụng những chi tiết quen thuộc nhưng ở “lão Hạc”, những chi tiết ấy lại có những biểu hiện riêng. Lão Hạc dường như là trường hợp ngoại lệ trong hệ thống nhân vật của Nam Cao: trong dòng đời nghiệt ngã ấy, lão Hạc không bị cuộc đời dìm xuống, cuốn trôi như những nhân vật khác mà vẫn vươn lên bởi phẩm chất trong sáng của một người lương thiện. Đối mặt với miếng ăn trong cái đói, lão Hạc quyết giữ gìn nhân phẩm và nước mắt chính là biểu hiện của sự ý thức: không chấp nhận cuộc sống bản năng. Nhưng nước mắt cũng chỉ là nước mắt, nó không có sức mạnh vạn năng để xoay chuyển cuộc đời và lão Hạc chọn cho mình cái chết, chết như một sự giải thoát, một cách để người cha hi sinh cho con.

“ Lão Hạc” là tác phẩm có sự hòa trộn giữa 4 môtip cơ bản trong truyện ngắn Nam Cao. Câu chuyện để lại trong lòng người đọc một nỗi ám ảnh về tình cha cao cả, về một con người nghèo khổ lương thiện và giàu lòng tự trọng. Khép lại tác phẩm, đọng lại trong ta một cái gì đó vừa xúc động vừa trăn trở…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét