Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Tây tiến-Quang Dũng

Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong Tây tiến-Quang Dũng
Giống như ngày và đêm, hôm qua và hôm nay, hội ngộ và li biệt….cuộc sống của chúng ta là sự kết dính những chuỗi dài các mặt đối lập. Chúng trái ngược hoàn toàn với nhau nhưng cũng song hành và chi phối lẫn nhau để rồi trở thành một quy luật nhất thành bất biến của đời sống. Trong văn học nghệ thuật, có thể nói, nội dung và hình thức cũng là một hiện tượng độc đáo và kì lạ như vậy.
Xuyên suốt đời sống văn học từ xưa đến nay, vấn đề nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học luôn là điều được bàn luận nhiều nhất. Nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ từng day dứt vì:
“ Trót nợ cùng thơ nên phải chuốt lời”
còn nhà thơ cách mạng Tố Hữu lại khẳng định: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người”. Đó là hai câu chuyện về thơ của hai thời đại thi ca nhưng đồng thời cũng là câu chuyện muôn thưở của văn học nghệ thuật nói chung. Thậm chí không có sự cách biệt về thời gian các nhà văn vẫn không thể thống nhất trong một luận đề để rồi tạo nên những cuộc bút chiến căng thẳng giữa hai trường phái “ nghệ thuật vị nghệ thuật” và “ nghệ thuật vị nhân sinh” của những năm đầu thế kỉ XX. Vậy thì giữa nội dung và hình thức của văn học nghệ thuật, cái nào mới là điều quan trọng ? Có lẽ chúng ta nên quay trở lại với bản thân vấn đề để có cái nhìn khách quan và chân thực nhất.
Trước hết, nếu ta cố tách bạch nội dung và hình thức thì ta sẽ lại càng đi vào sự lập lờ, rối rắm bởi vì giữa chúng có rất nhiều cấp độ. Khi ta xét hiện thực cuộc đời là đối tượng của văn học thì chính tác phẩm ấy là hình thức để phản ánh vấn đề đó, còn khi đi vào văn bản ngôn từ, nội dung chính là những giá trị phản ánh và giá trị biểu hiện, còn hình thức là kết cấu, ngôn từ, những quy định của loại thể văn học…
Ở đây, ta sẽ chỉ xét nội dung và hình thức trong cấp độ nhỏ- cấp độ văn bản ngôn từ. Lúc này nội dung của tác phẩm văn học sẽ chia thành hai cấp độ nhỏ hơn, đó là nội dung cụ thể ( hay nội dung trực tiếp) và nội dung khái quát (hay nội dung tư tưởng).
Nội dung cụ thể chính là sự thể hiện một cách sinh động và khách quan một phạm vi hiện thực cụ thể của đời sống, còn nội dung khái quát chính là khái quát hiện thực đã nêu thành những vấn đề của đời sống và giải quyết, đánh giá vấn đề ấy theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định. Nói một cách tinh tế như nhà thơ Lưu Trong Lư là “ Sự sống phải được trau chuốt, phải được nâng lên, phải được tập trung cao độ, nó mới biến thành kén vàng, gạo trắng phải bốc thành men rượu. Sự thực phải được sáng tạo, nâng cao trên đôi cánh tưởng tượng để lại tác động vào lòng người còn sâu mạnh hơn sự sống”. Hiện thực cuộc đời qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ đi vào trang viết không còn là hiện thực thuần túy nữa, mà thông qua đó, nhà văn gửi những thông điệp chân thành sâu sắc về con người, cuộc đời đến với độc giả. Và đó chính là nội dung, là điều đọng lại lâu và sâu nhất của người đọc khi gấp quyển sách lại.
Hình thức của tác phẩm là công cụ để nhà văn biểu đạt tư tưởng mình đang ấp ủ đó. Cũng như nội dung, hình thức cũng được chia nhỏ ra các cấp độ: hình thức cảm tính và hình thức quan niệm. Hình thức sẽ xuất hiện trong toàn bộ tác phẩm, nó có trong ngôn ngữ, kết cấu, cốt truyện, nhân vật, chủ đề cảm hứng…
Như vậy, giữa nội dung và hình thức của văn học nghệ thuật có một mối quan hệ mang tính triết học, chúng tồn tại trong mối quan hệ biện chứng qua lại, tác động, chi phối lẫn nhau. Heghen phát biểu “nội dung chẳng phải cái gì khác, mà chính là sự chuyển hóa của hình thức vào nội dung và hình thức cũng chẳng khác gì hơn là sự chuyển hóa của nội dung vào hình thức”. Nếu không có hình thức phù hợp, nội dung sẽ trở thành một mệnh đề tư tưởng khô khan, cứng nhắc. Còn nếu thiếu đi nội dung, hình thức sẽ chỉ còn là một cái vỏ trống rỗng. Nhà phê bình văn học Biêlinxki cũng đã khẳng định nội dung và hình thức văn học thì hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác, nếu hủy diệt nội dung thì cũng đồng nghĩa với hủy diệt hình thức và ngược lại, khi hình thức không còn thì nội dung cũng lạc lõng, bơ vơ.
Tuy nhiên, Biêlinxki lại cũng nhấn mạnh : “ Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Vậy thì trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, dù gì đi nữa, nội dung vẫn là yếu tố quyết định, bởi vì nội dung là cái có trước, năng động và tích cực đến mức Tagor đã phải thốt lên : “khi tình cảm tự tìm cho mình một hình thức biểu hiện bộc lộ ra bên ngoài, lúc đó ta có thơ”. Chỉ với một tình cảm sục sôi, mãnh liệt thì nhà văn mới có thể sáng tạo nghệ thuật, mới có đủ năng lực để làm cho những “từ ngữ mờ nhạt nhất, bạc màu nhất” trở nên “sáng lấp lánh, kêu giòn và tỏa hương”( Pautopxki).
Cuối cùng ta có thể khẳng định tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật, thiếu một trong hai yếu tố ấy, tác phẩm sẽ trở nên “ tàn phế”. Nhưng chúng ta cũng cần phải lưu ý giữa nội dung và hình thức thì yếu tố nội dung là cái trước tiên, quyết định hình thức và chi phối hướng phát triển của tác phẩm.
Cũng như hơi nước sẽ bay đi và muối kết tinh ở lại, những tác phẩm có được phát minh về hình thức, khám phá về nội dung (ý của Lêônốp) đều là những tác phẩm lớn, mang giá trị bất biến và vượt qua mọi định luật băng hoại của thời gian. Bài thơ Tây tiến của Quang Dũng ra đời cách chúng ta không lâu, nhưng có lẽ đó sẽ là một tác phẩm có sức sống bền bỉ trong lịch sử văn học. Tây tiến trước hết là một bài thơ đúng nghĩa với quan niệm về thơ của Sóng Hồng “Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.” chính sự tài hoa, nghệ sĩ trong cốt cách của bản thân tác giả đã biến con chữ lúc thì như những bảng màu lấp lánh trong bộ vẽ của một họa sĩ, lúc lại là nốt trầm nốt bổng để thi sĩ tấu lên những bản nhạc tuyệt diệu. Nhưng hơn hết, Tây tiến sẽ không thể trở thành bài thơ đa sắc đa thanh nếu nhà thơ không có tình cảm sục sôi mãnh liệt đến mức “ đêm không ngủ, mắt rực cháy và lòng thổn thức” ( Lecmônôp).
Nếu như Hoàng Cầm trong một đêm thổn thức nhớ thương và lo âu đã viết nên “ bên kia sông Đuống” thì Quang Dũng cũng sáng tác Tây tiến bắt nguồn từ một nỗi nhớ tha thiết bâng khuâng. Đoàn binh Tây Tiến năm ấy là đoàn binh có nhiệm vụ từ Hà Nội, Hà Tây tiến thẳng lên Tây Bắc giải phóng vùng biên giới Việt-Lào rồi giúp nước bạn giải phóng vùng thượng Lào, tạo nên một vùng an toàn cho chiến khu của chúng ta; về những tháng năm vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của đoàn binh Tây Tiến gắn liền với những vùng đất mà họ đã đi qua, đã chiến đấu, và chiến thắng. Sau những bước chân trường chinh, Tây Tiến, đoàn binh đã được phiên chế thành những đơn vị khác. Vì thế bài thơ lúc đầu có tựa đề "Nhớ Tây Tiến", về sau Quang Dũng mới đổi thành "Tây Tiến". Không cần để tựa đề có chữ “ nhớ”, đọc toàn bộ tác phẩm là sự tuôn tràn của một chuỗi hòai niệm đầy day dứt băn khoăn, và ngay từ câu thơ đầu tiên ta đã bắt gặp nỗi nhớ đầy ám ảnh ấy tràn trên trang giấy:
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.
Câu thơ đầu là một tiếng gọi tha thiết, câu tiếp theo là sự giãi bày tâm trạng căn nguyên tiếng gọi thảng thốt ấy. Tất cả chỉ vì nhớ Tây tiến quá mà thôi. Quang Dũng đã lựa chọn một từ láy rất đặc sắc để mô tả tâm trạng nhớ nhung của mình lúc này. Không phải là nỗi nhớ “ bổi hổi bồi hồi” của những người đang yêu mà là nhớ “ chơi vơi”. Chơi vơi là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không rộng, không thể bấu víu vào đâu cả. “Nhớ chơi vơi” có thể hiểu là một mình giữa thế giới hoài niệm mênh mông, bề bộn, không đầu, không cuối, không thứ tự thời gian, không gian. Đó là nỗi nhớ da diết, miên man, bồi hồi làm cho con người có cảm giác đứng ngồi không yên. Và hơn hết nỗi nhớ ấy ta như nhìn thấy có hình dáng của núi non, của hồn cây, vách đá, con sông Tây tiến trong đó. Không thể là một từ nào khác, chỉ có “chơi vơi” mới đảm nhiệm vai trò hiệp vần với từ cảm thán “ ơi” của câu trên để kéo âm điệu câu thơ dàn trải, miên man như dòng hồi tưởng, và cũng chỉ có từ “ chơi vơi” mới có thể mô tả chuẩn xác, sinh động nhất tâm trạng của một người đã từng gắn bó sâu đậm với núi rừng nhưng nay phải rời xa. Chỉ là cách gọi tên nỗi nhớ, nhưng từ đó ta đã phần nào nhận thấy mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, nếu Quang Dũng lựa chọn một cách diễn đạt khác cho dòng cảm xúc của mình có lẽ không chỉ câu thơ sẽ mất đi âm điệu mênh mông, tha thiết mà màu sắc “Tây tiến” trong mạch cảm xúc của cả bài thơ cũng mất đi phần nào.
Dòng hoài niệm của thi sĩ từ hai câu thơ đầu mà miên man trôi đi như dòng sông Mã ngàn đời vẫn cuồn cuộn chảy. Dọc theo dòng hoài niệm ấy, ta sẽ bắt gặp những cảm xúc chủ đạo, đó là ân tượng sâu đậm về thiên nhiên kì lạ, độc đáo của vùng Tây tiến, là cảm xúc bi thương về sự hy sinh của đồng đội, là niềm tự hào về vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn và tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường của những chiến sĩ Tây tiến. Những cảm xúc ấy được thể hiện trong một hình thức nghệ thuật điêu luyện, tài hoa nhất mực đã dựng nên một tượng đài tráng lệ, kì vĩ về đoàn quân Tây tiến trong thơ ca dân tộc.
Trước hết là cảm xúc của nhà thơ về thiên nhiên vùng biên giới, nơi đoàn quân Tây tiến đóng quân. Đó là một nơi hùng vĩ nhưng cũng khắc nghiệt, luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm đe dọa mạng sống của người lính Tây tiến. Và thiên nhiên ấy, đi vào thế giới cảm xúc của Quang Dũng, được nhà thơ miêu tả bằng những từ ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm nhất. Thiên nhiên trong “Tây tiến” có khi như một bức tranh sơn màu với những mảng màu sắc gân guốc, rắn rỏi, có khi lại như một bức tranh lụa mềm mại bằng những nét phác họa uyển chuyển, tinh tế.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Hàng loạt từ láy diễn tả ấn tượng mạnh “ khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút” cùng với thanh trắc chiếm hầu hết thanh điệu của hai câu trên đã tạo nên một khung cảnh núi rừng gập ghềnh trắc trở. Câu thơ đăng đối “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” không tạo nên vẻ hài hòa, cân bằng mà nó như bẻ đôi câu thơ, tạo cảm giác gấp khúc của hai sườn núi vút lên đổ xuống gần thẳng đứng. Chẳng những thế, câu thơ với chữ “lên”, “xuống” còn gợi ra hình ảnh trập trùng của đoàn binh Tây tiến đang vượt dốc cao vực thẳm. Và khi độ cao của núi rừng đang lên gần như tuyệt đối, độ căng trong tâm lí con người như lên đến đỉnh điểm thì đột ngột câu thơ chùng xuống, nhẹ nhõm như một hơi thở dài:
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Một câu thơ toàn thanh bằng gợi nên cái mênh mông xa vời, chơi vơi. Sự tương phản về thanh điệu tự nó cũng đã gợi ra cái trập trùng của núi non nhưng đặc sắc hơn còn là chất lãng mạn gợi ra từ một khung cảnh thiên nhiên như vậy. Câu thơ vừa có sắc màu bàng bạc của hơi nước, lại có sự mênh mông, ngút ngàn của tầm mắt nhìn xa, và thiên nhiên thoắt chốc hư ảo, diệu kì như một chốn nào đó của thượng giới. Những gì mà Quang Dũng miêu tả quả thực rất ấn tượng, thiên nhiên mang một vẻ đạp hoang dại nhưng cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình. Cái đẹp của thiên nhiên cũng đồng thời nói lên phần nào vẻ đẹp của người lính Tây tiến, họ vất vả hành quân trong một địa hình gập ghềnh trắc trở nhưng họ vẫn gác bỏ mọi mệt mỏi để cảm nhận vẻ đạp từ thiên nhiên, điều đó cho ta nhận thấy tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn của những người lính Tây tiến.
Nếu như thiên nhiên trong cảm thức của Quan Dũng vừa hùng vĩ, tráng lệ, vừa mộng mơ, thì con người nơi vùng biên này lại vô cùng đáng yêu, ngọt ngào. Đó không chỉ là vẻ dịu dàng, quyến rũ trong đêm hội đuốc hoa:
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp.
Mà còn là vẻ mộc mạc, giản dị toát lên từ công việc lao động hàng ngày:
Nhớ ôi tây tiến cơm lên khói
Mai châu mùa em thơm nếp xôi
Hay:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Ở đây, một lần nữa Quang Dũng lại thể hiện sự tinh tế, điêu luyện trong cách sử dụng ngôn ngữ. Qủa thật thơ ca là nơi biểu hiện đầy đủ nhất, sâu sắc nhất ma lực kì ảo của ngôn ngữ. Hàng loạt cụm từ mới được tạo ra trong Tây tiến, đó là “ mùa em”, “ hồn lau”, “ hoa đong đưa”, để cắt nghĩa các cụm từ này thật khó, nó lạ và rất giàu sức gợi. Hai tiếng “mùa em” là mùa anh gặp em, hay là mùa mà hình ảnh em đậm đà nhất trong tâm trí anh? Âm điệu ngọt ngào, hình ảnh giàu sức gợi, “mùa em” hàm chứa bao tình thương nỗi nhớ, điệu thơ trở nên uyển chuyển, mềm mại, tình thơ trở nên ấm áp. Trong từ “ hồn lau”, thi si đã thổi sự sống, linh hồn vào một sinh thể ngỡ như tĩnh tại, vô hồn, khiến câu thơ đượm chút gì bí ẩn, kì bí của núi rừng phía Tây. Còn cụm từ “ hoa đong đưa” tạo nên một vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng , không phải là đung đưa, mà là “đong đưa” chỉ khác nhau một âm vần mà khiến câu thơ mang nghĩa khác hẳn. Hoa cũng như con người, có linh hồn, biết làm duyên, hay là hoa được nhìn bằng đôi mắt say mê, tình tứ nên nó mới trở nên như thế. Ngôn từ trong thơ Quang Dũng rất đặc biệt , nó cũng là thứ ngôn ngữ toàn dân, thường dùng trong đời sống, và chính nhà văn cũng phải chắt chiu, tinh luyện mỏ quặng thô ráp của ngôn ngữ bình dân để tạo nên ngôn ngữ trong thơ. Nhưng ta cũng nhận thấy rằng “ chữ nào đặt đúng chỗ thì chữ đó là hay nhất” ( Vichto Huygo), nếu thứ ngôn ngữ mới mẻ kia chẳng để diễn đạt một dụng ý gì thì nó trở nên thật vô nghĩa và chúng ta sẽ giải thích nó một cách dung tục, như thế thơ ca sẽ chẳng còn gì ngoài cái vỏ bị ép khô bởi con chữ. Đối với Quang Dũng, Tây tiến như một dấu ấn khó mờ phai trong cuộc đời ông, giống như Chế Lan Viên đã viết:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Dường như Quang Dũng đã để lại một phần tâm hồn mình nơi vùng núi hẻo lánh, xa xôi ấy, và nỗi nhớ là động cơ, con chữ lúc này sẽ là công cụ để cái động cơ ấy được giải tỏa. Vì thế, mỗi câu, mỗi chữ đều thấm cái tình của thi sĩ, và vậy nên chúng không thể nảo chỉ là những cụm từ vô nghĩa mà là để chứa đựng tư tưởng tình cảm của thi sĩ với quá khứ với Tây tiến ngày xưa.
Và điểm cuối cùng trong chuỗi hoài niệm của thi sĩ chính là những người lính Tây Tiến, những đồng chí đồng đội đã từng sát cánh bên nhau vượt qua bao tháng ngày vất vả nhất. Có người vẫn còn sống, nhưng cũng có người gửi thân lại nơi sa trường. Những đồng chí đồng đội ấy đi vào trong thơ trở thành một hình tượng nghệ thuật kì vĩ và bi hùng. Họ là sự kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp lãng tử, hào hoa và vẻ đẹp bi tráng, oai hùng. Để xây dựng hình tượng người lính Tây tiến, nhà thơ đã sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Ở vẻ đẹp bi tráng của người chiến sĩ, bút pháp hiện thực và lãng mạn đan xen làm cho hình ảnh thơ đẹp một cách oai hùng, tráng lệ nhưng cũng đầy bi thương, đau xót. Họ được Quang Dũng miêu tả thật kì dị:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng.
Quang Dũng dường như sử dụng nghệ thuật chạm trổ của điêu khắc để tạo nên những gương mặt góc cạnh, dữ dằn. Họ bị chứng sốt rét rừng hành hạ đến xanh xao, tiều tụy nhưng cách mô tả của nhà thơ vẫn gợi ra âm hưởng rất hào hùng của cuộc sống. Bởi vì câu thơ "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" với những thanh trắc rơi vào trọng âm đầu của câu thơ như "tiến", "mọc tóc". Nhờ những thanh trắc ấy mà âm hưởng của câu thơ vút lên. Chẳng những thế, họ còn là cả một đoàn binh. Hai chữ “ binh đoàn” âm Hán Việt đã gợi ra một khí thế hết sức nghiêm trang, hùng dũng. Và đặc biệt hai chữ "Tây Tiến" mở đầu câu thơ không chỉ còn là tên gọi của đoàn binh nữa, nó gợi ra hình ảnh một đoàn binh dù đầu không mọc tóc vẫn đang quả cảm tiến bước về phía Tây. Thủ pháp tương phản mà Quang Dũng sử dụng ở câu thơ "Quân xanh màu lá dữ oai hùm" không chỉ làm nổi bật lên sức mạnh tinh thần của người lính mà còn thấm sâu màu sắc văn hoá của dân tộc. Ở đây, nhà thơ không chỉ muốn nói rằng những người lính Tây Tiến như chúa sơn lâm, không phải muốn "động vật hoá" người lính Tây Tiến mà muốn nói tới sức mạnh bách chiến bách thắng bằng một hình ảnh quen thuộc trong thơ văn xưa. Hào hùng và kì vĩ nhưng âm điệu câu thơ nhiều khi cũng rất bi thiết, buồn thương, đó chính là khi thi sĩ nói về cái chết của đồng đội. Cái chết, không phải đến cuối mới xuất hiện, nó đã rải rác từ những dòng thơ đầu tiên. Có cái chết thanh thản:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Cũng có cái chết thật bi hùng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Người lính chết không có manh vải liệm chỉ có manh chiếu bọc thân nhưng vẫn xem cái chết nhẹ như lông hồng. Câu thơ của Quang Dũng không dừng lại ở mức tả thực mà đẩy lên thành cảm hứng tráng lệ, coi chiếu là áo bào để cuộc tiễn đưa trở nên trang nghiêm, cổ kính. Quang Dũng đã tráng lệ hoá cuộc tiễn đưa bi thương bằng hình ảnh chiếc áo bào và sự hy sinh của người lính đã được coi là sự trở về với đất nước, với núi sông. Cụm từ "anh về đất" nói về cái chết nhưng lại bất tử hoá người lính, nói về cái bi thương nhưng lại bằng hình ảnh tráng lệ. Chết là về với đất mẹ
“ Người hi sinh đất hồi sinh
Máu người hóa ngọc lung linh giữa đời”
Mạch cảm xúc ấy đã dẫn tới câu thơ đầy tính chất tráng ca:
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Sông Mã tiễn đưa bằng bản nhạc của núi rừng đượm chất bi tráng như loạt đại bác tiễn đưa người anh hùng về với non sông tổ quốc. Bằng cách sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi sắc thái cổ kính, trang nghiêm, cùng với sự đan xen tài tình giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, Quang Dũng đã khắc họa vẻ đẹp hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến nhà thơ một cách sống động, tuyệt vời.
Sự hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn đã tạo nên hình tượng người lính Tây tiến oai hùng, kĩ vĩ còn khi bút pháp lãng mạn thăng hoa lại tạo nên một hính tượng người lính hào hoa, lãng tử. Giữa muôn ngàn khổ cực nguy hiểm của chặng đường hành quân người lính Tây tiến vẫn đủ tinh tế và nhạy cảm để cảm nhận những vẻ đẹp của thiên nhiên, rừng núi. :

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Hay đắm đuối si mê trong tiếng khèn “ man điệu” và điệu nhảy e ấp của những cô sơn nữ nơi núi rừng phía Tây này. Và ngay cả lúc chiến trận ác liệt, họ vẫn có thể thả hồn mình:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động trong một nỗi nhớ về một dáng kiều thơm, nhớ về một dáng kiều thơm, một nét đẹp cổ xưa và đáng quý của Hà Nội- Thăng Long xưa.
Như vậy bức tượng đài người lính Tây Tiến đã được khắc tạc bằng những nguồn ánh sáng tương phản lẫn nhau, vừa hiện thực vừa lãng mạn. Từng đường nét đều như nổi bật và tạo được những ấn tượng mạnh mẽ. Đây cũng là đặc trưng của thơ Quang Dũng.
Dòng hoài niệm của nhà thơ kết thúc trong một lời thề “ nhất khứ bất phục phản” của những người lính Tây tiến.
“Tây tiến người đi không hẹn ước.
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi…”
Câu thơ thì đã dứt nhưng ý thơ vẫn còn văng vẳng đâu đây. Và đôi khi sự dừng lại của ngôn ngữ văn bản nhưng lại mở ra chiều sâu vô cùng của ý nghĩa, bởi vì “ Thơ là cái đó, sự im lặng của các từ, nếu ta lắng nghe cái im lặng đó thì có những tiếng gợi rất đa dạng và tinh tế” ( Tố Hữu).
Đọc bài thơ Tây tiến, ta cảm nhận tác phẩm như có sự hòa quyện của âm nhạc, hội họa và điêu khắc. Câu thơ đẹp, hình ảnh tinh tế, giàu sức biểu cảm đã bộc lộ những cảm xúc dạt dào mãnh liệt của nhà thơ một cách sống động, sâu sắc nhất, thêm vào đó sự đan xen tài tình giữa bút pháp lãng mạn và hiện thực đã xây dựng nên hình tượng đoàn quân Tây tiến hào hoa, tráng lệ và oai hùng, thể hiện lòng yêu quý, trân trọng và ngợi ca của Quang Dũng.
Từ tác phẩm Tây tiến, ta nhận thấy rõ hơn về mối quan hệ qua lại, bổ sung, chi phối lẫn nhau giữa nội dung và nghệ thuật. Giống như cánh buồm và ngọn gió, nội dung tư tưởng của nhà văn sẽ được thăng hoa bằng ngọn gió nghệ thuật, và hình thức nghệ thuật nhờ có nội dung mà trở nên điêu luyện bậc nhất. Quay trở lại với cuộc bút chiến giữa “ nghệ thuật vị nghệ thuật” và nghệ thuật vị nhân sinh”, ta nhận thấy rằng, dù có đấu tranh để bảo vệ lập trường và quan điểm cảu mình một cách gắt gao nhất thì các nhà văn đều phải sáng tạo nghệ thuật theo quy luật thống nhất giữa nội dung và hình thức. Đó là quy định đầu tiên và cũng là yếu tố sống còn của một tác phẩm văn học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét